Theo ông Dương Quang Thành, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), việc đưa vào tổ máy 1 Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 trong tháng Tư vừa qua cùng với việc chuẩn bị đóng điện đường dây 500 kV Mỹ Phước-Cầu Bông sẽ giúp giảm căng thẳng về cấp điện cho các tỉnh phía Nam cũng như đảm bảo cấp điện cho cả nước trong các tháng mùa khô.
Theo tính toán, với tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm khoảng 9,2% trong năm 2014 và năm 2015, hệ thống điện toàn quốc vẫn đảm bảo công suất dự phòng thô từ 18-29%.
Tuy nhiên, do phân bố không đều, cụ thể là các tỉnh miền Trung luôn có dư thừa dự phòng mức cao 79-94%, miền Bắc dư thừa từ 24-32% trong khi miền Nam lại không có công suất dự phòng hoặc dự phòng thấp (9%).
Trong khi đó, tình hình cung ứng điện miền Nam đang phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ của các đường dây truyền tải liên kết Bắc-Trung-Nam. Trong trường hợp công suất dự phòng sửa chữa và gặp sự cố thì nguy cơ thiếu điện tại miền Nam trong các tháng mùa khô sẽ rất cao.
Ước tính mỗi năm, miền Nam nhận một lượng điện năng khá lớn bổ sung từ miền Bắc và miền Trung, riêng năm 2014 con số này khoảng 12,9 tỷ kWh, tương đương 2.500 MW truyền tải và ước tính năm 2015 khoảng 15,7 tỷ kWh, tương đương 2.800 MW.
"Dự tính ngày mai 6/5 sẽ tiến hành đóng điện đường dây 500 kV Pleiku-Mỹ Phước-Cầu Bông, qua đó giảm áp lực về cung cấp điện cho các tỉnh phía Nam," ông Thành nói.
Đánh giá tình hình cấp điện trong những tháng cao điểm mùa khô, tại buổi họp giao ban sáng 5/5 do Bộ Công Thương tổ chức, ông Phạm Mạnh Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục năng lượng (Bộ Công Thương) cũng cho biết, hiện nguồn phát ước tính lên đến 30.000 MW, so với tiêu dùng thực tế vẫn đang thừa khoảng 10.000 MW.
Tuy nhiên, do nguồn phát phân bố không đều nên việc cấp điện tải các tỉnh phía Nam cần được chuẩn bị kỹ lưỡng.
Do vậy, để giảm áp lực thiếu điện, lãnh đạo Tổng cục Năng lượng yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cần tính toán để việc cấp khí cho các nhà máy điện chạy khí hoạt động ổn định.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, sản lượng điện tháng Tư ước đạt 11,42 tỷ kWh, tăng 12,83% so cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng, điện sản xuất ước đạt 41,94 tỷ kWh, tăng 10,28% so cùng kỳ.
Công suất cực đại trong tháng Tư ước đạt 20.927 MW. Cơ cấu nguồn phát điện trong tháng Tư lớn nhất là thuỷ điện chiếm tỷ lệ 35,6%, tuabin khí chiếm 34%, nhiệt điện than chiếm 27,7% ngoài ra là từ các nguồn khác.
Dự kiến, công suất điện bình quân các ngày trong tháng Năm có thể đạt 413 triệu kWh, tương đương 12 tỷ kWh/tháng, tăng 5,6% so với tháng Tư.
"Hiện EVN đã chuẩn bị các phương án phát điện để đảm bảo cấp đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng," ông Dương Quang Thành cho hay./.