Đồng điệu giữa kẻ giết người ở Na Uy và al-Qaeda

Anders Behring Breivik sử dụng vụ giết người tàn bạo để thu hút sự chú ý đối với quan điểm cực đoan và gây ra những tranh cãi chính trị mới.
Vẫn còn nhiều điều nghi vấn xung quanh động cơ khiến Anders Behring Breivik thực hiện vụ nổ bom và xả súng làm nhiều người thiệt mạng tại Na Uy hôm 22/7 vừa qua, liệu y hành động một mình hay y là một phần tử trong một tổ chức rộng lớn hơn?

Tuy nhiên, bản tuyên bố y đăng tải trên Internet đã làm rõ mục tiêu chính mà y mong muốn đạt tới, đó là sử dụng vụ giết người tàn bạo để thu hút sự chú ý đối với quan điểm cực đoan của y và gây ra những tranh cãi chính trị mới.

Để thực hiện mục tiêu đó, y đã đi theo con đường từng được nhiều kẻ khác thực hiện và đã thành công, trong số đó có tổ chức khủng bố khét tiếng al-Qaeda.

Giống như Osama bin Laden từng hi vọng rằng việc hắn chiếm lĩnh những tít báo lớn trên toàn cầu nhờ vào số người bị giết quá lớn có thể lôi kéo những người Hồi giáo bất mãn đi theo hắn, Breivik dường như cũng đã hi vọng dư luận quan tâm tới bản tuyên bố dài tới 1.518 trang mà hắn tự gọi là một "chiến dịch quảng cáo."

[Toàn cảnh vụ đánh bom và thảm sát đẫm máu ở Na Uy]

Richard English, Giáo sư tại Trung tâm nghiên cứu bạo lực chính trị và chủ nghĩa khủng bố thuộc trường Đại học St Andrews ở Scotland nói: "Cuối cùng, tất cả chúng ta đã đọc những gì hắn viết và đó là mục đích của hắn."

Tuy nhiên, ông English nói thêm rằng cũng giống như với Osama bin Laden, vấn đề ở đây là khi mọi người đọc chúng, họ lại không thực sự thích những gì họ thấy.

Mặc dù một vài ý tưởng và mối quan tâm của Breivik có thể đồng điệu với những quan điểm của phe cực hữu tại châu lục này, nhưng những ý tưởng khác của y - chưa nói đến những phương pháp thực hiện của y - lại khiến nhiều người cấp tiến xa lánh y.

Những ý tưởng mà Breivik đưa ra trong bản tuyên bố được y đăng tải trên Internet chỉ vài giờ trước khi tiến hành các vụ tấn công bao gồm trục xuất những người Hồi giáo ra khỏi châu Âu, các kế hoạch về một cuộc đảo chính tại Na Uy do Nga hậu thuẫn, hình thành các liên minh chống Hồi giáo với những người dân tộc chủ nghĩa theo đạo Phật và Ấn Độ giáo và những đề xuất đầu tư cho cái mà hắn tin là thời kỳ khủng hoảng châu Âu sắp xảy ra.

Hắn viết trong những trang mở đầu: "Tôi chỉ yêu cầu bạn làm một việc: tôi yêu cầu bạn gửi cuốn sách này cho tất cả những người bạn biết. Bởi vì nằm trong những trang sách này là những công cụ cần thiết để giành chiến thắng trong cuộc chiến văn hóa Tây Âu đang diễn ra."

[Xu hướng khủng bố mới đang nổi lên ở phương Tây]

Cũng giống như Breivik, rất nhiều trong số những kẻ Hồi giáo thực hiện các vụ tấn công gần đây nhất tại châu Âu và Mỹ dường như là những kẻ hoạt động đơn lẻ, tự học các kỹ năng quân sự trên mạng. Chúng hi vọng rằng những hành động của chúng sẽ được hoan nghênh và truyền cảm hứng cho nhiều người khác.

Ví dụ, Thiếu tá Mỹ Nidal Malik Hasan - chuyên gia về tâm thần học, kẻ đã giết 13 người và khiến 29 người khác bị thương trong một vụ xả súng nhằm vào căn cứ quân sự Fort Hood tại Texas năm 2009 - được cho là đã bị ảnh hưởng từ các trang mạng có mối liên hệ với al-Qaeda và những kẻ thuyết giáo qua mạng Internet mà hắn chưa bao giờ gặp mặt.

Bản thân Breivik dường như có chút ít sự ngưỡng mộ miễn cưỡng đối với al-Qaeda. Hắn viết: "Thành tựu quan trọng nhất của al-Qaeda là thực tế họ đã khiến những tổ chức Hồi giáo ôn hòa trở nên dễ dàng tiếp cận hơn bằng cách mở rộng trục chính trị cấp tiến. Chính điều này đã hợp pháp hóa nhiều tổ chức Hồi giáo, do đó, thay đổi định nghĩa về 'Hồi giáo cực đoan'."

James Brandon, Giám đốc tổ chức nghiên cứu của Anh Quillam Foundation, nói rằng sau một thập kỷ tập trung nghiên cứu al-Qaeda, Breivik chắc chắn đã bị ảnh hưởng bởi tổ chức này. Brandon nói: "Nếu xem xét bài viết của Breivik, chúng ta có thể thấy rằng theo một cách nào đó, hắn ngưỡng mộ al-Qaeda, đặc biệt là thứ mà hắn cho là những giá trị mạnh mẽ của tổ chức này - đó là niềm tin vững mạnh và khả năng gây ảnh hưởng sâu sắc."

Các chuyên gia an ninh cho rằng có thể hắn cũng đã mượn những chiến thuật hành động của tổ chức này: thực hiện các vụ tấn công gần như đồng thời để áp đảo các nhà cầm quyền, sử dụng hiệu quả các vụ nổ bom và vũ khí tự động và tuyên bố nhận trách nhiệm qua băng thu hình và Internet. Al-Qaeda cũng một phần phát triển những chiến thuật này từ những kẻ sử dụng bạo lực trước đây.

[Mỹ cảnh báo al-Qaeda âm mưu khủng bố toàn cầu]

Những kẻ cánh hữu cực đoan những năm 1990 và những kẻ cấp tiến đầu thế kỷ 20 thường tung ra các bản tuyên bố viết tay ngay sau khi thực hiện một hành động bạo lực với hi vọng khiến nhiều người thay đổi quan điểm và đi theo sự nghiệp của họ.

Sara Silvestri, một chuyên gia về chủ nghĩa cấp tiến và chủ nghĩa cực đoan của trường Đại học Thành phố ở London nói: "Bản thân al-Qaeda cũng đã học hỏi từ nhiều nguồn khác nhau bao gồm người Ireland, người châu Âu và những kẻ khủng bố khác. Tất cả chỉ nhằm thu hút sự chú ý của giới truyền thông và bạo lực chỉ là một công cụ thực hiện mục tiêu đó."

Nhưng thứ có khả năng khiến cho những hành động như vậy vươn xa tầm ảnh hưởng và đang được al-Qaeda cùng nhiều kẻ khác đi theo tổ chức này sau sự kiện 11/9 khai thác hiệu quả là Internet.

Internet cho phép bất kỳ ai cũng có thể học các chiến thuật, cùng nhau chia sẻ quan điểm và cảm xúc về một mục tiêu chung trong khi ngồi một mình trước chiếc máy tính.

Bà Sara nói: "Bởi vì mạng Internet có ở khắp mọi nơi nên mọi người có thể cảm thấy mình là một phần của một xã hội có cùng những mối quan tâm mà không nhất thiết phải đối mặt trực tiếp với nhau."

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc thu hút sự chú ý nhờ vào các hành động bạo lực cũng có thể là một chiến thuật sai lầm. Họ đưa ra nhiều ví dụ như Timothy McVeigh - kẻ được coi là đã tự mình phá hỏng sự nghiệp cách mạng chống lại chính phủ Mỹ do chính mình dựng lên khi hắn đánh bom một tòa nhà liên bang ở thành phố Oklahoma năm 1995 khiến 168 người thiệt mạng.

Mặc dù bản tuyên bố của Breivik có thể được những nhân vật cấp tiến truyền tay nhau, giống như cách một vài kẻ cánh hữu vẫn đọc cuốn "Cuộc tranh đấu của tôi" của Adolf Hitler, song hành động bạo lực của y chắc chắn sẽ cảnh tỉnh nhiều người - những người từng bị hấp dẫn bởi những quan điểm của y.

Hành động bạo lực của Breivik dường như đã khiến xã hội Na Uy đoàn kết hơn xung quanh những giá trị mà y từng thề sẽ thủ tiêu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục