Đồng Nai: Hướng dẫn quy trình xử lý ca mắc COVID-19 tại doanh nghiệp

Theo hướng dẫn của Sở Y tế, khi doanh nghiệp phát hiện ca mắc COVID-19 phải bố trí cách ly tạm thời tại chỗ, không được để F0 tự do đi lại và tuyệt đối không cho tiếp xúc với những người khác.
Đồng Nai: Hướng dẫn quy trình xử lý ca mắc COVID-19 tại doanh nghiệp ảnh 1Nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe cho người được cách ly phòng bệnh COVID-19. Ảnh minh họa. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Ngày 27/10, Sở Y tế Đồng Nai ban hành văn bản hướng dẫn quy trình xử lý ca mắc COVID-19 và người tiếp xúc gần tại doanh nghiệp.

Theo hướng dẫn của Sở Y tế, khi doanh nghiệp phát hiện ca mắc COVID-19 phải bố trí cách ly tạm thời tại chỗ, không được để F0 tự do đi lại và tuyệt đối không cho tiếp xúc với những người khác; đồng thời thông báo đến trung tâm y tế cấp huyện và trạm y tế cấp xã hoặc trạm y tế lưu động trong khu công nghiệp.

Đơn vị y tế có trách nhiệm tiến hành điều tra dịch tễ, lập danh sách F1, F2. Việc điều tra dịch tễ phải tiến hành đầy đủ, xác định rõ quy mô, phạm vi ổ dịch đến đâu, từ đó mới quyết định phong tỏa, dừng hoạt động một hay nhiều phân xưởng.

Cán bộ y tế sẽ thăm khám, xác định mức độ bệnh của F0 để quyết định cách ly tại nhà hay đưa vào các khu điều trị. F1 có thể tổ chức cách ly tại nhà, nơi lưu trú hoặc cách ly tại cơ sở cách ly tập trung.

Doanh nghiệp xuất hiện ca mắc COVID-19 sau khi thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phải đánh giá lại nguy cơ lây nhiễm trước khi hoạt động trở lại. Việc đánh giá nguy cơ lây nhiễm tại doanh nghiệp do Ủy ban Nhân dân cấp huyện thực hiện.

Nếu kết quả đánh giá là rất ít nguy cơ hoặc nguy cơ thấp thì chấp thuận cho doanh nghiệp hoạt động trở lại. Doanh nghiệp phải dừng hoạt động nếu kết quả đánh giá là nguy cơ cao hoặc nguy cơ rất cao.

Cũng trong ngày 27/10, Sở Y tế Đồng Nai đưa ra hướng dẫn tạm thời xét nghiệm tại doanh nghiệp trong giai đoạn thực hiện “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trên địa bàn tỉnh.

[Đồng Nai thành lập Tổ tiếp nhận và xử lý thông tin dịch COVID-19]

Doanh nghiệp phải xét nghiệm ngay đối với người lao động khi họ có biểu hiện nghi ngờ mắc COVID-19 như sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác, khứu giác, khó thở. Đối với những lao động đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng không phải xét nghiệm.

Người lao động đi, về hằng ngày chưa tiêm đủ liều vaccine hoặc chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 trước khi tham gia sản xuất phải có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ, đồng thời phải xét nghiệm sàng lọc định kỳ.

Trước đó, Ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai có văn bản đề nghị Sở Y tế hướng dẫn việc xử lý F0, F1 và xét nghiệm COVID-19 tại doanh nghiệp.

Tại văn bản này, Ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai cho rằng việc xử lý F0, F1 tại các doanh nghiệp mất nhiều thời gian (từ 3 đến 5 ngày); ngành y tế cần nhanh chóng hỗ trợ doanh nghiệp xử lý F0, F1, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sớm hoạt động trở lại.

Sau khi giải quyết xong ca mắc COVID-19 và người tiếp xúc gần doanh nghiệp được hoạt động trở lại mà không phải thực hiện thủ tục đề nghị được hoạt động lại cũng như sự chấp thuận của chính quyền địa phương.

Sau nhiều tháng phải tạm ngừng sản xuất, từ đầu tháng 10 đến nay, hầu hết doanh nghiệp tại Đồng Nai hoạt động trở lại theo hình thức tổ chức cho người lao động đi, về hàng ngày.

Quá trình hoạt động doanh nghiệp ghi nhận ca mắc COVID-19 với triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, quy định xử lý dịch COVID-19 hiện nay phức tạp, chưa rõ ràng, gây khó khăn, tốn kém cho doanh nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục