Đồng Nai nỗ lực kiểm soát dịch, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân

Đồng Nai là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề, trở thành điểm nóng của cả nước với hơn 23.000 ca nhiễm khi dịch tấn công vào các khu công nghiệp, khu nhà trọ công nhân.
Đồng Nai nỗ lực kiểm soát dịch, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân ảnh 1Người dân huyện Xuân Lộc quyết tâm khóa chặt và giữ vững vùng xanh. (Ảnh: TTXVN phát)

Trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4, Đồng Nai là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề, trở thành điểm nóng của cả nước với hơn 23.000 ca nhiễm khi dịch tấn công vào các khu công nghiệp, khu nhà trọ công nhân.

Trong bối cảnh đó, Đồng Nai vẫn đang gồng mình, nỗ lực để kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.

Công tác phòng, chống dịch đang đi đúng hướng

Theo Sở Y tế Đồng Nai, từ ngày 18/6/2021, dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát và lan rộng trên địa bàn tỉnh.

Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã ghi nhận hơn 23.000 ca mắc COVID-19, trong đó có khoảng 10.000 bệnh nhân đã được điều trị khỏi và xuất viện, 194 trường hợp tử vong.

Trong hơn 2 tháng từ khi xuất hiện dịch COVID-19 trên địa bàn, tỉnh đã thực hiện 2 đợt xét nghiệm diện rộng cho hơn 1,3 triệu người, qua đó phát hiện 2.537 mẫu dương tính với SARS-CoV-2.

Theo nhận định của Sở Y tế Đồng Nai, trong những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 được phát hiện thông qua xét nghiệm diện rộng và trong cộng đồng đang có xu hướng giảm mạnh. Đây được xem là dấu hiệu đáng mừng, thể hiện công tác phòng, chống dịch ở Đồng Nai đang đi đúng hướng.

Ông Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, cho biết để có được kết quả khả quan như vậy, thời gian qua, các cấp chính quyền và toàn thể nhân dân tỉnh Đồng Nai đã rất nỗ lực trong phòng, chống dịch, tìm ra những hướng đi mới nhằm khoanh vùng, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng một cách nhanh nhất.

Qua đánh giá mức độ diễn biến dịch tại các địa phương, Đồng Nai phân chia 11 huyện, thành phố ra 4 mức độ gồm: nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, nguy cơ và bình thường.

[Tầm soát diện rộng, Đồng Nai phát hiện hơn 2.500 mẫu dương tính]

Ông Phan Huy Anh Vũ cho biết nếu như ở những địa phương khác chia vùng nguy cơ xuống đến xã, phường, thì Đồng Nai thực hiện sâu hơn, chia nhỏ hơn vùng nguy cơ xuống đến tận các ấp, khu phố. Việc này có ý nghĩa rất quan trọng, vừa không tốn nguồn nhân lực, vật lực, vừa đảm bảo khoanh đúng, trúng các điểm xuất hiện F0 trong cộng đồng. Đặc biệt, việc khoanh vùng này liên quan trực tiếp đến tần suất xét nghiệm và các đối tượng được xét nghiệm diện rộng.

Tuy nhiên, trong hơn 2 tháng tập trung phòng, chống dịch COVID-19, thời gian đầu, tỉnh Đồng Nai vẫn gặp không ít khó khăn như việc điều tra, truy vết ở các địa phương còn chậm, lực lượng các Tổ COVID-19 cộng đồng còn lúng túng trong tham gia điều tra, nhiều địa phương chưa có phương án chuẩn bị chỗ điều trị cách ly khi số người cách ly tăng cao dẫn đến F1 phải ở nhà chờ chuẩn bị chỗ cách ly.

Đặc biệt, có những thời điểm Đồng Nai ghi nhận nhiều ca mắc mới tại các doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ"; có sự lây nhiễm thứ phát tại các khu nhà trọ công nhân dẫn đến số ca mắc tăng cao, khó kiểm soát các ổ dịch.

Tận dụng thời gian vàng để bảo vệ và mở rộng "vùng xanh"

Với số ca mắc COVID-19 trên địa bàn đang có xu hướng giảm mạnh, tỉnh Đồng Nai đang từng bước lập kế hoạch tận dụng thời gian vàng để bảo vệ và mở rộng "vùng xanh" khống chế dịch lan rộng, đồng thời, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt là những người dân sống trong vùng phong tỏa.

Ông Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, cho biết trước đây chưa có quy chuẩn về “vùng xanh,” các địa phương chủ yếu thực hiện tự phát, không đồng bộ, thống nhất ở các cấp khiến việc xác lập, bảo vệ rất khó khăn. Do đó, tỉnh Đồng Nai đã cụ thể hóa quy định đến ấp, giúp cho việc xác lập, bảo vệ và mở rộng “vùng xanh” thuận lợi hơn.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã ban hành văn bản thực hiện các biện pháp bảo vệ “vùng xanh” trong phòng, chống COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Trong số đó, các tiêu chuẩn để ấp đạt “vùng xanh” gồm: không có ca nhiễm trong 14 ngày; có dưới 5 ca nhiễm nhưng đã sớm tách ra khỏi cộng đồng và qua ít nhất 3 lần xét nghiệm cách nhau 3 đến 5 ngày, các cư dân trong ấp đều có kết quả âm tính; không có F1 nguy cơ lây nhiễm cao trong 14 ngày hoặc có F1 nguy cơ lây nhiễm cao nhưng đã có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính.

Về tổ chức bảo vệ “vùng xanh,” Ủy ban Nhân dân cấp xã thành lập các ban tự quản từ 5 đến 7 người do trưởng ấp làm trưởng ban, các thành viên còn lại tham gia trên cơ sở tự nguyện của người dân. Ban tự quản bảo vệ “vùng xanh” có nhiệm vụ giữ chặt, kiểm soát nghiêm việc ra vào của người dân.

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, để bảo vệ “vùng xanh” đang có và củng cố, mở rộng thêm "vùng xanh," tỉnh yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã tiến hành đánh giá, phân loại tất cả các ấp trên địa bàn để xác lập đạt tiêu chuẩn “vùng xanh”; giám sát chặt chẽ việc thực hiện nghiêm bảo vệ và mở rộng “vùng xanh” trên địa bàn quản lý; thường xuyên tổ chức đánh giá kết quả thực hiện công tác bảo vệ “vùng xanh” để có biện pháp chỉ đạo kịp thời, phù hợp với thực tế từng địa phương. Có như vậy mới đảm bảo hạn chế gia tăng số ca mắc, từng bước dập dịch, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường.

Theo Sở Y tế Đồng Nai, cùng với việc bảo vệ và từng bước mở rộng “vùng xanh” thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, tỉnh Đồng Nai hiện đang tiến hành xét nghiệm COVID-19 đến vòng 3.

Sau vòng này, tỉnh tiếp tục xét nghiệm tại vùng nguy cơ cao, mục tiêu là không để sót ca bệnh trong cộng đồng; tăng cường kiểm soát, không để nguồn lây nhiễm từ bên ngoài xâm nhập vào địa bàn.

Bên cạnh đó, công tác đảm bảo an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn cũng được địa phương đặc biệt chú trọng, quan tâm.

Đồng Nai nỗ lực kiểm soát dịch, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân ảnh 2Công an Đồng Nai tổ chức Gian hàng 0 đồng lưu động. (Ảnh: Công Phong/TTXVN)

Để đảm bảo cuộc sống của người dân trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, tỉnh Đồng Nai đã lấy xã, phường làm pháo đài, tập trung mọi nguồn lực để đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, cho biết mỗi nguồn lực của tỉnh, thành phố, mỗi sự giúp đỡ của xã hội cho tỉnh Đồng Nai sẽ được phân phối và chuyển về ngay cho xã, phường. Mỗi thông tin về những địa chỉ người nghèo, những hộ khó khăn được tỉnh tiếp nhận sẽ được chuyển ngay về xã, phường để thực hiện ngay công tác xã hội cho các hộ đó. Có chăm lo tốt cho đời sống của người dân thì công tác phòng, chống dịch COVID-19 mới được triển khai tốt, sớm đạt được mục tiêu đề ra.

Đánh giá tình hình và khả năng khống chế dịch, ông Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng còn 1 ngày nữa là đến mốc tỉnh Đồng Nai phải hoàn thành khống chế dịch theo Nghị quyết 86/NQ-CP của Chính phủ đề ra và chắc chắn tỉnh không đảm bảo mục tiêu này. Do đó, tỉnh Đồng Nai phải kéo dài thực hiện giãn cách xã hội đến ngày 5/9.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai đề nghị cả hệ thống chính trị phải tập trung cho mục tiêu mới là 5/9 phải khống chế được dịch.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai yêu cầu, trong thời gian tới phải tập trung làm thật chuẩn mực, tập trung cao nhất cho xét nghiệm diện rộng để sàng lọc F0 trong cộng đồng, khu giãn cách, khu phong tỏa và khu cách ly...; tập trung bảo vệ "vùng xanh," quản lý chặt các khu phong tỏa, hỗ trợ doanh nghiệp vừa sản xuất vừa chống dịch hiệu quả, không để lây nhiễm chéo trong khu cách ly.

Nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội là quan trọng, do đó phải cung cấp cho người dân số điện thoại của cán bộ để khi có việc gấp thì dân sẽ gọi kịp thời. Bên cạnh đó, việc vận chuyển gạo phải kịp thời, an toàn và tuyệt đối không được làm sai, làm trái quy định./.

Tình hình dịch bệnh đến 18h ngày 29/8

Đồng Nai

- Số ca nhiễm: 23.132ca
- Số ca tử vong: 195 ca
- Tiêm chủng: 745.803 liều

Trong nước:

Số ca nhiễm: 449.489 ca
Số ca tử vong: 11.064 ca, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh: 8.869 ca; Thủ đô Hà Nội: 39 ca.
Số ca khỏi bệnh: 228.816 ca.
Số tiêm chủng: 19.710.560 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 17.186.153 liều, tiêm mũi 2 là 2.524.407 liều.

Thế giới:

Số ca nhiễm: 217.359.913
Số ca tử vong: 4.517.926
Số ca hồi phục: 194.292.019

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục