Đồng Nai: Xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ đạt trên 600 triệu USD

Tính chung 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ của Đồng Nai đạt gần 602 triệu USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2013.
Đồng Nai: Xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ đạt trên 600 triệu USD ảnh 1(Ảnh minh họa: Thanh Vũ/TTXVN)

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ trong tháng Tám ước đạt gần 88,3 triệu USD, tăng 11,2 triệu USD so với tháng Bảy.

Tính chung 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ của tỉnh đạt gần 602 triệu USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2013.

Ông Lê Văn Dành, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh cho biết hiện xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ là một trong ba nhóm mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất của Đồng Nai, chỉ sau giày dép và dệt may.

Các công ty sản xuất các sản phẩm từ gỗ trong tỉnh đều khẳng định khác với năm trước, từ đầu năm đến nay, họ liên tục nhận được các đơn đặt hàng lớn từ những đối tác nước ngoài. Nhiều công ty đến thời điểm này đã nhận được đơn đặt hàng đến hết quý I năm 2015.

Các thị trường lớn về sản phẩm gỗ của Đồng Nai là Hoa Kỳ, Canada, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản... đều tăng nhu cầu nhập khẩu. Ngoài ra, một số thị trường mới thuộc châu Mỹ Latinh, châu Phi cũng sang tìm hiểu và đặt hàng.

Theo Hawa (Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ), thời gian gần đây, nhiều nhà nhập khẩu sản phẩm từ gỗ lớn trên thế giới đã đến Việt Nam đặt hàng chứ không chọn Trung Quốc như trước. Việt Nam cũng đang có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc thu hút các nhà đầu tư đến liên kết sản xuất sản phẩm từ gỗ.

Ưu thế của Việt Nam là kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong mức kiểm soát, tăng trưởng tín dụng hợp lý, lực lượng lao động khá dồi dào...

Ông Bùi Quang Hội, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Bùi Chấn Hưng (thành phố Biên Hòa) cho biết khách hàng truyền thống của công ty là Nhật Bản, Australia, châu Âu và gần đây có thêm một số khách hàng từ Hoa Kỳ. Các đơn hàng công ty nhận được từ đầu năm đến nay tăng gấp hai lần so với năm trước.

Nhiều khách hàng của công ty cho biết họ đã chuyển những đơn hàng lớn từ Trung Quốc, Thái Lan về Việt Nam để được hưởng các ưu đãi về thuế quan trong xuất nhập khẩu và hiện nay máy móc, quy trình sản xuất các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam tương đối cao.

Theo Sở Công Thương, sở dĩ có sự dịch chuyển những đơn hàng lớn sản xuất các sản phẩm từ gỗ ở các nước lân cận vào Việt Nam, trong đó có Đồng Nai là để được hưởng các ưu đãi về thuế.

Thời gian qua, Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại với nhiều nước và theo lộ trình thuế xuất nhập khẩu các mặt hàng giảm dần về 0%. Trong đó, mặt hàng gỗ đang hưởng nhiều ưu đãi về thuế quan khi xuất khẩu. Đây chính là yếu tố hấp dẫn và thu hút nhiều nhà đầu tư vào Việt Nam.

Ông Lê Văn Dành cho biết, để tạo diều kiện cho ngành sản xuất gỗ, mới đây, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phan Thị Mỹ Thanh đã đồng ý với chủ trương của Hiệp hội sản xuất chế biến gỗ trong tỉnh trong việc tự đầu tư hạ tầng một cụm công nghiệp chuyên ngành gỗ để tạo điều kiện mặt bằng cho các hội viên sản xuất.

Toàn tỉnh hiện có hơn 600 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đồ gỗ và hàng thủ công mỹ nghệ với tổng doanh thu năm 2013 đạt 2 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu gần 1,5 tỷ USD, chiếm 27% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ cả nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục