Động thái thúc đẩy chiến lược 'nước Anh toàn cầu' ở châu Á

Chuyến thăm của Thủ tướng Anh Boris Johnson tới Ấn Độ kết thúc ngày 22/4 đánh dấu bước phát triển quan trọng trong quan hệ hợp tác quốc phòng và thương mại giữa Anh và quốc gia Nam Á.
Động thái thúc đẩy chiến lược 'nước Anh toàn cầu' ở châu Á ảnh 1Thủ tướng Anh Boris Johnson có chuyến thăm chính thức tới Ấn Độ. (Nguồn: ANI)

Chuyến thăm của Thủ tướng Anh Boris Johnson tới Ấn Độ kết thúc ngày 22/4  đánh dấu bước phát triển quan trọng trong quan hệ hợp tác quốc phòng và thương mại giữa Anh và quốc gia Nam Á đóng vai trò then chốt trong chiến lược ngả về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của “nước Anh toàn cầu.”

Sau hai lần bị trì hoãn vào năm ngoái do dịch COVID-19, đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Johnson tới quốc gia Nam Á trên cương vị Thủ tướng Anh và sau hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với Thủ tướng Ấn Độ Nerandra Modi vào tháng 5/2021, nơi hai nhà lãnh đạo nhất trí nâng tầm quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Trong chuyến đi 2 ngày tới Ấn Độ, ông Johnson đã thăm nhà máy sản xuất thiết bị xây dựng JCB tại Halol GIDC ở Panchmahal, bang Gujarat và có cuộc hội đàm với người đồng cấp Ấn Độ Nerandra Modi tại thủ đô New Delhi nhằm thúc đẩy hợp tác song phương về an ninh, quốc phòng, thương mại, đặc biệt ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Hai thủ tướng khẳng định cam kết chuyển hợp tác quốc phòng và an ninh thành trụ cột chính của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Ấn Độ-Anh và tăng cường cam kết ủng hộ một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, cởi mở và an toàn. Hai bên cũng thảo luận về hợp tác an ninh quốc phòng trên biển, đất liền, trên không, và an ninh mạng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Thủ tướng Johnson nhấn mạnh trong bối cảnh xuất hiện ngày càng nhiều mối đe dọa, Anh và Ấn Độ càng cần phải hợp tác sâu hơn, trong đó có mối quan tâm chung là đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Nhà lãnh đạo Anh khẳng định hai bên nhất trí về mối quan hệ đối tác quốc phòng và an ninh "mới và mở rộng,"một cam kết sẽ được thực hiện trong nhiều thập niên, không chỉ giúp gắn kết hai quốc gia hơn nữa mà còn phục vụ kế hoạch thúc đẩy sản xuất trong nước mang tên "Make in India" của Thủ tướng Modi.

Nhân dịp này, hai nước đã ký thỏa thuận mới về hợp tác quốc phòng, theo đó Anh sẽ hỗ trợ Ấn Độ đạt mục tiêu chế tạo các loại máy bay chiến đấu trong nước, giảm nhập khẩu thiết bị quốc phòng.

Anh cũng sẽ cấp giấy phép xuất khẩu mở đặc biệt cho Ấn Độ, hợp lý hóa thủ tục và thúc đẩy vận chuyển hàng xuất khẩu quân sự trong thập niên tới để đẩy nhanh thời gian bàn giao các loại thiết bị quốc phòng cho Ấn Độ.

Hiện nay, Anh mới chỉ cấp giấy phép xuất khẩu này cho Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Hai nhà lãnh đạo cũng đặt mục tiêu kết thúc phần lớn các cuộc đàm phán về FTA vào cuối tháng 10 với mục tiêu tăng gấp đôi thương mại song phương vào năm 2030.

Chuyến thăm là cơ hội để Thủ tướng Johnson thúc đẩy quan hệ chiến lược, ngoại giao và thương mại với Ấn Độ, đặc biệt là việc đẩy nhanh tiến độ ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa hai nước trong bối cảnh hậu Brexit (Anh rời EU) khi London đang tìm kiếm những thị trường mới và các FTA với các nước tại châu Á-Thái Bình Dương, khu vực bao gồm một số nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ có thể đạt hơn 8%, một trong những mức tăng trưởng cao nhất thế giới.

[Chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Anh tập trung thương mại và quốc phòng]

Tiềm năng kinh tế của Ấn Độ là một nguồn đầu tư quan trọng và là một thị trường lớn phù hợp với chiến lược hậu Brexit của Anh. Hiệp định FTA hiện đang được đàm phán giữa Ấn Độ và Anh có thể thúc đẩy thương mại hằng năm của Anh lên gần 36,5 tỷ USD vào năm 2035.

Động thái thúc đẩy chiến lược 'nước Anh toàn cầu' ở châu Á ảnh 2Thủ tướng Anh Boris Johnson và người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi. (Nguồn: Getty Images)

Chuyến thăm của ông Johnson phản ánh nỗ lực của chính phủ Anh nhằm tăng cường sự hiện diện tại khu vực theo chiến lược “ngả về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” của “nước Anh toàn cầu” được đưa ra báo cáo đánh giá tổng hợp về An ninh, Quốc phòng, Phát triển và Chính sách đối ngoại (IR) công bố hồi tháng 3 năm ngoái.

Báo cáo này nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của Ấn Độ tại khu vực và đặt mục tiêu tăng cường quan hệ đối tác với Ấn Độ trên các lĩnh vực quốc phòng, thương mại, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đề cập đến quan hệ đối tác an ninh và quốc phòng giữa hai nước khi đến thăm nhà máy JCB, ông Johnson nói, "Chúng ta có cơ hội làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác an ninh và quốc phòng khi Vương quốc Anh đang thực hiện chiến lược ngả về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương," khẳng định đây là điều đúng đắn cần làm vì phần lớn sự tăng trưởng của nền kinh tế thế giới đang hiện diện ở khu vực này.

Ông Rahul Kamath, nhà nghiên cứu thuộc Chương trình nghiên cứu chiến lược, tổ chức Observer Research Foundation (ORF) có trụ sở tại New Delhi, nhận định: “Chuyến thăm của Thủ tướng Johnson tới New Delhi nhấn mạnh vai trò quan trọng của Ấn Độ trong trật tự toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng,” đồng thời cho rằng chuyến thăm là tuyên bố quan trọng và là sự công nhận vị thế của Ấn Độ trong địa chính trị hiện tại.

Theo ông Kamath, chuyến thăm của Thủ tướng Johnson có thể thúc đẩy mối quan hệ hiện nay giữa Anh và Ấn Độ, tạo cơ hội để hai bên khám phá và định hình lại mối quan hệ lịch sử bằng cách tập trung vào các lĩnh vực hợp tác mới như khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, an ninh mạng, hợp tác quân sự và quốc phòng và quan hệ thương mại.

Chuyên gia Vivek Mishra, một nhà nghiên cứu khác tại ORF, nhận định tầm nhìn của Anh về sự hiện diện mạnh mẽ của nước này ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã thúc đẩy mối quan hệ đối tác với Ấn Độ. Anh đang nổi lên là một người chơi lớn ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, với việc triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay và tàu tuần tra tại khu vực.

Ông Mishra cho rằng dù mục đích là để củng cố vòng cung Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thông qua mạng lưới kinh tế hay khôi phục vai trò toàn cầu của Anh, thì Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vẫn đóng vai trò rất quan trọng đối với nước này.

Nhà nghiên cứu về Nam Á thuộc Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) và thành viên Hội đồng tư vấn Anh-Ấn Độ, ông Rahul Roy-Chaudhury, chỉ ra rằng Ấn Độ có vai trò cực kỳ quan trọng trong chiến lược ngả về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Anh thời kỳ hậu Brexit.

Chuyên gia này đánh gía việc xây dựng lại mối quan hệ quốc phòng chặt chẽ với Ấn Độ cũng có thể tạo dựng lại lòng tin trong mối quan hệ song phương, đặc biệt khi hai nước có cơ hội mới để xích lại gần nhau do ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực.

Theo ông Roy-Chaudhury, thỏa thuận thương mại cùng với việc tối đa hóa  hợp tác quốc phòng sẽ là bước chuyển lớn trong năm thứ 75 quan hệ giữa hai nước.

Với việc Anh mở rộng hiện diện ở khu vực và Ấn Độ là nút thắt quan trọng giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, trong khi tầm nhìn về "Nước Anh toàn cầu" đưa ra trong báo cáo IR có nhiều điểm tương đồng với tầm nhìn của Ấn Độ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, London và New Delhi có nhiều động lực để khai thác lợi thế chung.

Đó là cùng hướng tới một tầm nhìn chung về ổn định và thịnh vượng ở khu vực thông qua quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với lộ trình đầy tham vọng được củng cố bởi “cam kết chung về dân chủ, các quyền tự do cơ bản, chủ nghĩa đa phương và một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục