Đồng tiền kỹ thuật số của Trung Quốc tác động đến Mỹ như thế nào?

Đánh giá về việc Trung Quốc sử dụng đồng kỹ thuật số để thúc đẩy các tham vọng địa chính trị của nước này, chuyên gia cho rằng Mỹ-Trung ngày càng cạnh tranh trong hai lĩnh vực: kinh tế và công nghệ.
Đồng tiền kỹ thuật số của Trung Quốc tác động đến Mỹ như thế nào? ảnh 1(Nguồn: freepik.com)

Trạng mạng The Diplomat đăng bài phỏng vấn chuyên gia phân tích Emily Jin của Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS), đồng thời là tác giả cuốn sách "Đồng tiền kỹ thuật số của Trung Quốc: Bổ sung dữ liệu tài chính đối với chủ nghĩa độc quyền kỹ thuật số" về việc Trung Quốc phát hành đồng nhân dân tệ phiên bản điện tử.

Đánh giá về việc Trung Quốc sử dụng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số (DCEP) để thúc đẩy các tham vọng địa chính trị của nước này, bà Jin cho rằng Mỹ-Trung ngày càng cạnh tranh trong hai lĩnh vực: kinh tế và công nghệ.

[Lý do các nước châu Á siết chặt quản lý tiền kỹ thuật số]

Việc triển khai thành công và mở rộng DCEP (trước tiên trong phạm vi Trung Quốc và sau đó vượt ra ngoài biên giới nước này) sẽ giúp Bắc Kinh có khả năng viết lại các chuẩn mực, giá trị và đạo đức quốc tế trong lĩnh vực công nghệ tài chính.

Các công nghệ sáng tạo có khả năng thay đổi toàn diện nền tài chính toàn cầu hiện nay - một hệ sinh thái phức tạp của các thể chế và khuôn khổ pháp lý vốn được thiết lập để tạo điều kiện thuận lợi cho các dòng vốn tài chính quốc tế. Sự đổi mới của các tiêu chuẩn có thể dẫn đến sự thay đổi lớn trong tài chính quốc tế.

Phân tích vai trò của DCEP trong việc thúc đẩy khả năng kiểm soát kỹ thuật số của Trung Quốc ở trong nước và trên toàn cầu, chuyên gia Jin nhận thấy rằng DCEP có thể giúp Trung Quốc triển khai năng lực giám sát của mình nếu Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) phát hành DCEP thành công.

Mặc dù chưa thể biết rõ cơ chế chính xác liên quan đến việc hạn chế quyền truy cập của công dân theo DCEP, nguyên tắc thiết kế “kiểm soát ẩn danh” sẽ cho phép PBoC nhận dạng những khách hàng sử dụng DCEP.

Nguyên tắc kiểm soát ẩn danh có thể yêu cầu người dùng đăng ký tên thật của họ và cung cấp thông tin cá nhân cho ngân hàng trung ương, đồng thời cho phép người dùng lựa chọn ẩn danh với các giao dịch đầu cuối của họ (ví dụ các đối tác).

Tuy nhiên, nguyên tắc này có thể cho phép PBoC cắt đứt truy cập của một người vào tài khoản kỹ thuật số tại ngân hàng và phong tỏa giao dịch.

Trên bình diện quốc tế, nếu Trung Quốc thành công trong việc triển khai DCEP, nước này sẽ là nền kinh tế lớn đầu tiên trên thế giới làm được điều này.

Khi đó, Bắc Kinh sẽ có cơ hội thiết kế các tiêu chuẩn quốc tế về đồng tiền kỹ thuật số và đạt được lợi thế trong cuộc cạnh tranh công nghệ với Mỹ.

Chuyên gia Jin cho rằng điều này sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc tham gia vào việc thiết lập các tiêu chuẩn và quy tắc quốc tế về cách thức các đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) được tích hợp vào hệ thống thương mại và tài chính toàn cầu.

Thêm nữa, Trung Quốc sẽ có khả năng “xuất khẩu” mô hình quản trị của mình sang các quốc gia khác đang phát triển CBDC của riêng họ.

Điều này cũng có nghĩa là các quốc gia khác có thể áp dụng mô hình "kiểm soát ẩn danh" mà PBoC hiện đang thực hiện đối với đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, theo đó ngân hàng trung ương có quyền truy cập đối các thông tin giao dịch của một người nào đó.

Bà Jin đưa ra những khuyến nghị về phản ứng của Mỹ đối với sự phát triển DCEP của Trung Quốc.

Đầu tiên, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ và các bên liên quan nên thừa nhận sự phát triển ấn tượng trong chính sách DCEP của Trung Quốc, cũng như nghiên cứu những tác động của DCEP đối với tự do kinh tế và chính trị ở bên trong Trung Quốc và cả bên ngoài biên giới nước này.

Thứ hai, trong khi Mỹ không nhất thiết cần phải có đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình, các nhà hoạch định chính sách nên theo dõi sự thay đổi đang diễn ra nhanh chóng trong hệ sinh thái tài chính toàn cầu và khẳng định vai trò lãnh đạo của Mỹ trong các cơ chế tiêu chuẩn toàn cầu.

Thứ ba, các chuyên gia về công nghệ tài chính và các nhà hoạch định chính sách cần hợp tác cùng nhau để xác định các loại dữ liệu sẽ được thu thập từ các thực thể sử dụng DCEP và cụ thể hơn là cách thức những dữ liệu này sẽ luân chuyển qua biên giới.

Đây là hai bước quan trọng trước khi các nhà hoạch định chính sách quyết định có đưa ra các hạn chế hay không.

Trước tình thế này, Chính phủ Mỹ nên thúc đẩy nghiên cứu về tác động kinh tế và an ninh của các đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC).

Bên cạnh đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed, ngân hàng trung ương) cần tiếp tục nghiên cứu về CBDC và hướng các cuộc thảo luận quốc tế về thiết lập tiêu chuẩn.

Chính phủ Mỹ cũng cần đánh giá cách thức các công ty Mỹ đang liên kết với các công ty Trung Quốc trong việc phát triển và thực hiện DCEP.

Từ đó, Mỹ có thể đưa ra các biện pháp đối phó thích hợp để ngăn chặn các công nghệ sáng tạo của Mỹ rơi vào tay Trung Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục