Động viên đội ngũ khoa học và công nghệ kiên trì theo đuổi giấc mơ lớn

Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tham mưu với Chính phủ tạo môi trường và điều kiện tốt hơn nữa cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)
Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Sáng 28/12, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dự, phát biểu chỉ đạo.

Nâng cao tiềm lực, trình độ khoa học và công nghệ

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, trong năm qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự chung tay ủng hộ và chia sẻ, hợp tác của các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, ngành Khoa học và Công nghệ đã nỗ lực hoàn thành kế hoạch công tác năm 2023 với nhiều kết quả tích cực, góp phần thiết thực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng và an ninh quốc gia, cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân, đóng góp vào các mục tiêu tăng trưởng của đất nước trong năm 2023.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng nhận định, Khoa học và Công nghệ vận động không ngừng, đòi hỏi các cơ chế, chính sách quản lý Khoa học và Công nghệ luôn cần được rà soát để điều chỉnh kịp thời mới theo kịp và đáp ứng được, hỗ trợ được hoạt động Khoa học và Công nghệ một cách hiệu quả.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn đó các vướng mắc, bất cập trong quản lý Khoa học và Công nghệ do khách quan và chủ quan, nước ta chưa tháo gỡ được và cần sớm có giải pháp trong thời gian tới.

Để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành đột phá chiến lược và động lực chính cho phát triển kinh tế-xã hội, đưa nước ta nhanh chóng trở thành một nước có nền công nghiệp hiện đại vào năm 2030, nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 như Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ, trong năm 2024 và những năm tiếp theo, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho rằng, cần tiếp tục kiên trì đổi mới tư duy, thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp lớn về phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ; nâng cao tiềm lực và trình độ khoa học và công nghệ; thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Với vai trò đầu mối quản lý hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tham mưu với Chính phủ tạo môi trường và điều kiện tốt hơn nữa cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, từ đó, động viên đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ kiên trì theo đuổi giấc mơ lớn và niềm đam mê khoa học, vượt lên các khó khăn, thách thức để tạo ra nhiều thành quả Khoa học và Công nghệ thiết thực, mang lại lợi ích cho đất nước, người dân và xã hội, đóng góp cho kho tàng tri thức của nhân loại.

Mở ra nhiều hướng phát triển khoa học công nghệ mới

Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, năm 2023, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song với tinh thần chủ động, sáng tạo, đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng, về cơ bản, ngành Khoa học và Công nghệ đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Với nguồn ngân sách Nhà nước dành cho hoạt động Khoa học và Công nghệ hơn 12 nghìn tỷ đồng, Bộ đã triển khai các hoạt động tài trợ thực hiện các nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia.

Nhiều bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tiếp tục quan tâm trích lập Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ, tạo nguồn lực quan trọng để doanh nghiệp nghiên cứu, đổi mới công nghệ phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh.

ttxvn-huynh-thanh-dat-4026.jpeg
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: Hoàng Hiếu/ TTXVN)

Cùng với đó, việc huy động kinh phí ngoài ngân sách nhà nước để triển khai hoạt động Khoa học và Công nghệ được quan tâm thực hiện. Tỷ trọng đầu tư giữa Nhà nước và doanh nghiệp tiếp tục được cải thiện theo chiều hướng tích cực...

Triển khai các Chương trình/nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ quốc gia, năm 2023, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với bộ, ngành liên quan triển khai các chương trình/nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 gồm 22 chương trình/đề án do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; 22 Chương trình Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2021-2025 và 2021-2030 do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt…

Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan kiến tạo nền tảng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững. Nhà máy đầu tiên sản xuất chip bán dẫn là doanh nghiệp công nghệ cao được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận.

Đồng thời triển khai hiệu quả các nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ về phát triển các công nghệ chủ chốt của công nghiệp 4.0 Việt Nam có lợi thế như: Trí tuệ nhân tạo, Phân tích dữ liệu lớn, Internet kết nối vạn vật, robot tiên tiến, in 3D, công nghệ thực tế ảo...

Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia từng bước được hình thành, ngày càng phát triển về quy mô và hình thức hoạt động; đầu tư cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo vẫn giữ được mức phát triển tương đối tốt so với khu vực ASEAN.

Hiện nay, Việt Nam có trên 3 nghìn doanh nghiệp khởi nghiệp; trên 140 trường đại học, viện nghiên cứu tổ chức hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với các vườn ươm, trung tâm, câu lạc bộ hỗ trợ khởi nghiệp.

Bộ Khoa học và Công nghệ đang triển khai xây dựng Đề án thành lập Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia trực thuộc Bộ có trụ sở tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, hệ thống tiêu chuẩn đo lường chất lượng tiếp tục được củng cố, góp phần tạo môi trường kinh doanh công bằng cho doanh nghiệp và ngày càng hài hòa với các tiêu chuẩn thế giới và khu vực.

Đến nay, Bộ đã công bố gần 14.000 TCVN (tiêu chuẩn quốc gia) và hơn 800 QCVN (quy chuẩn kỹ thuật quốc gia). Tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt trên 60%.

Hệ thống bảo hộ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ ngày càng hoàn thiện, phục vụ đắc lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và bảo vệ kết quả hoạt động sáng tạo và phù hợp với cam kết quốc tế. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng năng lượng nguyên tử tiếp tục có đóng góp thiết thực trong lĩnh vực y tế, công nghiệp, xây dựng và nông nghiệp..., phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Phát triển bền vững thông qua khoa học, công nghệ

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đã đồng chủ trì phiên thảo luận.

Tham luận tại Hội nghị, ông Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, nhiều văn bản chính sách, pháp luật khác cũng được ban hành.

Hành lang pháp lý cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng hoàn thiện, công tác quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã từng bước được đổi mới, tạo điều kiện cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp đáng kể cho tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Ông Nguyễn Phương Tuấn cho rằng, cần đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đột phá trong tư duy hoạch định chính sách, pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, cũng như cần phải sửa đổi, bổ sung kịp thời những luật có liên quan, nhất là Luật Khoa học và Công nghệ 2013, trong đó tập trung vào xây dựng một số chính sách, cụ thể: xây dựng cơ chế tài chính đặc thù cho hoạt động khoa học công nghệ; gắn kết giữa giáo dục đào tạo đại học với các hoạt động khoa học công nghệ; nâng cao hiệu quả hoạt động, đơn giản hóa tối đa thủ tục thanh, quyết toán, bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí, tiêu cực; thúc đẩy triển khai cơ chế thí điểm, thử nghiệm và đặc thù đối với các loại hình, mô hình kinh tế mới dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo…

Tham luận tại Hội nghị, đại diện Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, hiện, Luật Thủ đô 2012 đã được xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương để trình Quốc hội sửa đổi với những nội dung quan trọng về phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; phát triển khu công nghệ cao.

Theo đó, Luật được trình Quốc hội sửa đổi gồm một số nội dung về cơ chế đặc thù phát triển khoa học và công nghệ của Thủ đô; quy định về các lĩnh vực khoa học và công nghệ trọng điểm; chế độ ưu đãi đối với một số hoạt động, đối tượng trong lĩnh vực khoa học và công nghệ; đề xuất mở rộng đối tượng được áp dụng hình thức khoán kinh phí so với Luật Khoa học và Công nghệ; thu nhập của chuyên gia, nhà khoa học từ việc chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm của Thủ đô, vùng Thủ đô là thu nhập không chịu thuế thu nhập cá nhân.

Dự thảo Luật Thủ đô cũng bổ sung quy định doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ được hỗ trợ từ ngân sách của thành phố để mua sắm, vận hành máy móc, thiết bị phục vụ thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm của Thủ đô.

Cùng với đó là quy định chung về định hướng xây dựng, phát triển các khu công nghệ cao trên địa bàn Thủ đô; giao Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội quyết định thành lập và ban hành quy chế hoạt động của khu công nghệ cao; đồng thời, dự thảo Luật quy định một số vấn đề mang tính nguyên tắc về vị trí, chức năng và cơ chế ưu đãi đối với Khu Công nghệ cao Hòa Lạc hiện đã được Bộ Khoa học và Công nghệ bàn giao cho Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội quản lý; hình thành mô hình thử nghiệm có kiểm soát nhằm tạo đột phá về cơ chế để Hà Nội có thể tổ chức thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ hay mô hình kinh doanh mới, nhiều tiềm năng, nhất là trong lĩnh vực khoa học, công nghệ.

Dự thảo Luật còn quy định một số vấn đề mang tính nguyên tắc về thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thúc đẩy, ươm tạo doanh nghiệp trong một số lĩnh vực trọng điểm về khoa học và công nghệ của Hà Nội.

TTXVN tiếp tục cập nhật thông tin về Hội nghị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục