Dòng vốn nước ngoài là hiểm họa với kinh tế châu Á

IMF cảnh báo dòng vốn lớn của nước ngoài vào các nền kinh tế mới nổi châu Á đang tạo ra thách thức và hiểm họa mới ngoài dự báo.
Ngày 11/7, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo dòng vốn lớn của nước ngoài đổ vào các nền kinh tế mới nổi ở châu Á đang tạo ra thách thức và hiểm họa mới ngoài dự báo đối với các nền kinh tế này.

Trong báo cáo mới nhất “Triển vọng kinh tế khu vực,” IMF nhấn mạnh mặc dù tổng dòng vốn nước ngoài đổ vào các nền kinh tế châu Á mới nổi chưa vượt quá đỉnh cao của các thời kỳ trước đây, các hiểm họa xuất phát từ định giá tài sản, các chỉ số công ty vẫn ở mức an toàn cũng như khu vực đệm tài chính bên ngoài vẫn lớn, nhưng các thách thức và hiểm họa mới đã nảy sinh từ tính chất của dòng vốn nước ngoài vừa đổ vào châu Á.

Dòng vốn lần này chủ yếu là trái phiếu và cổ phiếu, là các nguồn vốn mà các thị trường vốn của nền kinh tế châu Á mới nổi không thể hấp thu với số lượng lớn khiến các bong bóng giá tài sản hình thành nhanh chóng, đẩy nền kinh tế vào nguy cơ "cái chết bất ngờ."

Các dòng trái phiếu và cổ phiếu này tuy đã tăng chậm lại nhưng sẽ tiếp tục đổ vào châu Á trong hai năm tới.

Báo cáo của IMF cảnh báo hiện trạng này có thể đe dọa sự ổn định tài chính và gây mất cân bằng thị trường tài sản, làm phức tạp hơn nữa việc thực hiện chính sách tiền tệ, đặc biệt trong bối cảnh thế giới lo ngại sự phát triển quá nóng của các nền kinh tế mới nổi.

Để hạn chế tác động bất lợi của dòng vốn nước ngoài, IMF đề xuất hai giải pháp. Một là các nền kinh tế châu Á mới nổi tập trung tăng cường hiệu lực và hiệu quả của chính sách tiền tệ, vì đối với châu Á, chính sách tiền tệ vẫn đóng vai trò quan trọng chống sức ép phát triển nóng và tác động mạnh mẽ đến các hoạt động kinh tế thông qua lãi suất ngắn hạn.

Biện pháp thứ hai là tập trung bảo vệ ổn định tài chính. Trong khi ổn định kinh tế vĩ mô không đủ để vô hiệu hóa nguy cơ bất ổn tài chính, các nền kinh tế châu Á mới nổi cần thúc đẩy các biện pháp vĩ mô thận trọng nhằm giảm nguy cơ quá nóng về giá tài sản cũng như vỡ nợ một khi dòng vốn nước ngoài đảo chiều.

Các biện pháp vĩ mô thận trọng có thể đóng vai trò hữu ích trong việc giảm nguy cơ bất ổn kinh tế-tài chính do tăng dòng vốn nước ngoài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục