Dự án điện gió La Gàn dự kiến cung cấp cho hơn 7 triệu hộ gia đình

Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn dự kiến sẽ cung cấp điện cho hơn 7 triệu hộ gia đình mỗi năm khi đã lặp đặt đủ hệ thống công suất 3,5 GW.
Dự án điện gió La Gàn dự kiến cung cấp cho hơn 7 triệu hộ gia đình ảnh 1Dự án điện gió La Gàn dự kiến cung cấp điện cho hơn 7 triệu hộ gia đình. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn có công suất dự kiến khoảng 3,5GW đang được phát triển bởi Copenhagen Infrastructure Partners (CIP), Asiapetro và Novasia ngoài khơi của tỉnh Bình Thuận.

Dự án dự kiến sẽ cung cấp điện cho hơn 7 triệu hộ gia đình Việt Nam mỗi năm khi đã lặp đặt đủ hệ thống công suất 3,5 GW.

Theo một nghiên cứu từ các chuyên gia quốc tế của BVG Associates, dự án La Gàn dự kiến sẽ mang lại các giá trị tiềm năng, bao gồm tạo ra hơn 45.000 công việc tương đương toàn thời gian (Full Time Equivalent - FTE) tại Việt Nam và đóng góp hơn 4.4 tỷ USD cho nền kinh tế Việt Nam trong suốt thời gian vận hành dự án.

Các lợi ích kinh tế chủ yếu đến từ việc sử dụng chuỗi cung ứng trong nước để phát triển dự án điện gió, cung cấp móng trụ ngoài khơi, thiết kế-xây dựng các cơ sở hạ tầng truyền tải trên đất liền, dịch vụ lắp đặt, vận hành và bảo trì.

[Ký biên bản ghi nhớ dự án điện gió ngoài khơi trị giá hơn 10 tỷ USD]

Trong những lĩnh vực này, chuỗi cung ứng của Việt Nam được đánh giá là có chuyên môn cao, vì vậy các nhà cung cấp trong nước có thể tham gia vào dự án. Tổng tỷ lệ nội địa hóa dự kiến sẽ chiếm khoảng 45% trong toàn bộ chuỗi cung ứng của dự án điện gió ngoài khơi La Gàn.

Công tác phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn sẽ được tiến hành trong nhiều năm, từ đó tạo ra nhiều cơ hội cho các nhà thầu của Việt Nam tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng của Dự án trong những năm sắp tới, khi thị trường ngành điện gió ngoài khơi ngày càng phát triển.

Một số hạng mục dự kiến sẽ luôn được nhập khẩu, như các bộ phận tuabin. Tuy nhiên, một số nhà cung ứng Việt Nam cho biết rằng có khả năng họ sẽ đầu tư thêm để phát triển nhà máy và cơ sở hạ tầng.

Điều này sẽ giúp nâng cao trình độ chuyên môn ở Việt Nam và có thể tác động tích cực tới các lĩnh vực khác của chuỗi cung ứng và toàn ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi, đồng thời cải thiện tỷ lệ nội địa hóa hơn nữa cho dự án La Gàn.

Kể từ khi ký Biên bản ghi nhớ với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận vào tháng 7/2020, dự án điện gió ngoài khơi La Gàn đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động, bao gồm cả việc chuẩn bị cho công tác khảo sát thực địa, cũng như xin bổ sung vào quy hoạch phát triển điện và phê duyệt giấy phép khảo sát.

Với vốn đầu tư ước tính lên tới 10 tỷ USD và công suất 3,5 GW, dự án này là một trong những dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục