Dự báo cơn bão số 8: "Đường đi của nó như giun bò"

Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, dù chỉ Việt Nam dự báo có bão số 8 nhưng thực tế hoàn toàn đúng.
Liên quan đến một số nguồn tin cho rằng Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương đã nhận định cơn bão số 8 sai lệch cả cường độ lẫn thời gian đổ bộ, chiều nay (20/9), tại Hà Nội, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương đã tổ chức buổi họp “Thông tin về công tác dự báo và phục vụ cơn bão số 8.”

Theo ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, từ khi áp thấp nhiệt đới hình thành đến khi bão tan, Trung tâm đã phát chính thức 20 bản tin về cơn bão số 8.

Trong các bản tin dự báo, Trung tâm cũng đã liên tục cập nhật các thông tin và dự báo mới nhất cho phù hợp với diễn biến của bão để Ban Chỉ đạo phòng chống luật bão có sự chỉ đạo kịp thời về công tác phòng, tránh bão. Do đó, mọi công tác chuẩn bị phòng chống phải được hoàn thành trước.

Vị Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cũng khẳng định cơn bão số 8 đã được theo dõi rất chặt chẽ khi còn là một áp thấp ở vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông. Và, mặc dù chỉ có Việt Nam dự báo có bão là đúng với thực tế khi gió giật cấp 7, cấp 8 chỉ cách bờ biển chỉ có 300km.

“Do vậy, có ý kiến nhận định bão số 8 tan trước khi vào đất liền và di chuyển đến bờ sớm hơn dự báo 1 ngày là không đúng,” ông Tăng khẳng định.

[Bão số 8 và mưa lũ: 3 người chết, 13 người mất tích]

Lý giải cho điều này, ông Tăng cho rằng đường đi của cơn bão số 8 như giun bò, bởi ranh giới giữa bão và áp thấp nhiệt đới nó rất mong manh. Hơn nữa, thời điểm đổ bộ của bão số 8 không thể xác định chính xác vào một giờ cụ thể, mà chỉ có thể xác định trong khoảng thời gian: Sáng, trưa, chiều, hay chiều tối, đêm.

Cũng tại buổi họp, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc thành phố Đà Nẵng cho toàn bộ học sinh nghỉ học sau khi bão tan chỉ vì bản tin của Trung tâm, ông Tăng cho rằng việc Đà Nẵng cho học sinh nghỉ học chiều 18/9 là hợp lý, bởi lúc này ở đây mưa vẫn còn rất to. Còn sang ngày 19/9 mà vẫn cho học sinh nghỉ học thì "cẩn thận quá."

Chia sẻ về những khó khăn trong việc dự báo, ông Tăng cho biết, đã là dự báo thì bão giờ cũng khó khăn. Chúng tôi làm nghề dự báo, thì cũng như ông thầy bói bói trời. Hơn nữa, nước ta còn thiếu các phương tiện hiện đại, đặc biêt là các trạm phao trên biển để chúng ta có số liệu cụ thể và đối chiếu mực gió trên biển.

“Thực tế thì Trung tâm chỉ dự báo được trên phạm vi rộng và ở một khoảng thời gian nhất định. Do đó, để có sự chuẩn bị và kịp thời phòng tránh, người dân cần theo dõi sát các bản tin mà Trung tâm phát. Cùng với đó, các địa phương cũng phải chủ động trong việc cảnh báo, truyền tải thông tin tới người dân, đặc biệt là các địa phương ven biển,” ông Tăng khuyến nghị./.
Ngày 20/9, Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương cho biết, theo thống kê sơ bộ, bão số 8 và mưa lũ tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã làm 3 người chết do lũ cuốn trôi tại Quảng Trị và Đắk Lắk; 13 người mất tích ở Nghệ An, Quảng Nam và Đắk Lắk; 4 người bị thương tại Quảng Trị và Quảng Nam.

Ngoài ra còn có gần 5.000 nhà bị đổ, sập, tốc mái và ngập; gần 2.500 ha lúa bị ngập úng, đổ; trên 3.500 ha ngô, sắn và hoa màu bị ngập; số gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi là 1.780 con; 11 cầu, cống nhỏ bị trôi và 12 cầu bị hư hại...

Hùng Võ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục