Dự báo mô hình tăng trưởng mới của châu Á

Các nhà kinh tế thế giới đã nhận định cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính thế giới hiện nay đang góp phần tạo ra một mô hình tăng trưởng kinh tế mới, đặc biệt ở khu vực châu Á.

Các nhà kinh tế thế giới đã nhận định cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính thế giới hiện nay đang góp phần tạo ra một mô hình tăng trưởng kinh tế mới, đặc biệt ở khu vực châu Á.
 
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) sẽ tổ chức hội nghị ở thành phố Đại Liên (Trung Quốc) từ ngày 10-12/9 với nỗ lực khôi phục tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong bối cảnh thế giới đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế sâu rộng và nghiêm trọng nhất kể từ những năm 30 của thế kỷ trước.
 
Việc vượt qua nguy cơ một cuộc khủng hoảng niềm tin đối với kinh tế toàn cầu đòi hỏi phải phát triển và ứng dụng các chiến lược quốc tế, chiến lược khu vực và chiến lược quốc gia để tạo ra một làn sóng tăng trưởng mới.
 
Đối với châu Á, cuộc khủng hoảng được đánh dấu bằng sự sụt giảm mạnh nhu cầu ở Mỹ và các thị trường chủ yếu khác, đã buộc các nhà hoạch định chính sách tìm cách cân đối lại các mô hình tăng trưởng.
 
Cựu Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế của Thái Lan, Tiến sỹ Somkid Jatusripitak, cho rằng cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ thúc đẩy sự ra đời của một mô hình phát triển kinh tế mới, trong đó không dựa vào đầu tư nước ngoài hoặc coi du lịch và xuất khẩu làm động lực tăng trưởng.
 
Theo ông, mô hình tăng trưởng mới sẽ gắn liền với sự nổi lên của thị trường nội địa. Tiêu dùng và đầu tư nội địa sẽ đóng vai trò lớn hơn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
 
Ngân hàng Hoàng gia Scotland cũng chung quan điểm này. Trong một báo cáo mới đây, ngân hàng này cho rằng châu Á sẽ phải lựa chọn một chiến lược tăng trưởng mới dựa nhiều hơn vào nhu cầu nội địa.
 
Các nỗ lực nhằm khôi phục xuất khẩu trở lại mức trước khủng hoảng bằng cách định giá tiền tệ thấp để tăng tính cạnh tranh, dù là ngắn hạn, chắc chắn không còn hiệu quả và thậm chí sẽ vấp phải sự phản kháng từ các đối tác thương mại.
 
Để cân đối lại cơ cấu tăng trưởng, các nền kinh tế châu Á, trừ Nhật Bản, phải tăng chi tiêu trong khu vực công, thúc đẩy tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh cải cách khu vực tài chính và đảm bảo sự linh hoạt của tỷ giá trao đổi tiền tệ.
 
Tất nhiên, quá độ hướng tới một cơ cấu tăng trưởng mới sẽ là một thách thức trung hạn đối với các nước, nhất là khi thị trường tài chính sẽ bị tác động sâu rộng do áp lực từ sự mạnh lên của tiền tệ và nguồn vốn mà các nước rút ra từ các thị trường giao dịch cổ phiếu và trái phiếu ở Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục