Dự kiến thông qua 22 dự án luật trong 2010

Chiều 17/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010 và bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII và 3 dự án Luật Lý lịch tư pháp; Luật Quản lý nợ công và Luật Quy hoạch đô thị, với đa số phiếu tán thành.

Chiều 17/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010 và bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII và 3 dự án Luật Lý lịch tư pháp; Luật Quản lý nợ công và Luật Quy hoạch đô thị, với đa số phiếu tán thành.

Dự kiến thông qua 22 dự án luật trong năm 2010

Theo Nghị quyết, bổ sung dự án Luật Thủ đô và Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII.

Trong chương trình chính thức xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010, 22 dự án Luật sẽ được trình Quốc hội thông qua như  Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi); Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Thuế nhà, đất; Nuôi con nuôi; Thi hành án hình sự; Trọng tài thương mại; Biển Việt Nam; Viên chức; Bộ luật lao động (sửa đổi, bao gồm cả vấn đề tiền lương tối thiểu và vấn đề việc làm); Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Khoáng sản (sửa đổi) và Thanh tra (sửa đổi).

Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến 9 dự án luật; Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Luật lý lịch tư pháp quy định về trình tự, thủ tục cung cấp, tiếp nhận, cập nhật thông tin lý lịch tư pháp; lập Lý lịch tư pháp; tổ chức và quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; cấp Phiếu lý lịch tư pháp, quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp.

Theo Luật này, cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp được xây dựng và quản lý tại Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia thuộc Bộ Tư pháp và tại Sở Tư pháp. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp. Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có trách nhiệm phối hợp với Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp.

Bộ Tư pháp sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp. Các Bộ Công an, Quốc phòng, Ngoại giao và các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi, quyền hạn có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp.

Bộ Tài chính thống nhất quản lý nhà nước về nợ công

Luật quản lý nợ công quy định về quản lý nợ công gồm hoạt động vay, sử dụng vốn vay, trả nợ và nghiệp vụ quản lý nợ công.

Luật quy định Bộ Tài chính giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công; là đại diện chính thức cho người vay đối với các khoản vay nước ngoài nhân danh Nhà nước, Chính phủ, trừ các khoản vay do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được ủy quyền đàm phán, ký kết; thực hiện các giao dịch về nợ của Chính phủ; tổ chức đàm phán, ký kết các thỏa thuận bảo lãnh chính phủ.

Bộ cũng là đại diện chính thức cho người bảo lãnh đối với các khoản bảo lãnh chính phủ; quản lý các khoản vay của Chính phủ; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc huy động vốn trong nước, bảo đảm điều hành hiệu quả chính sách tiền tệ - tín dụng; tham gia với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục yêu cầu tài trợ vốn ODA trước khi các điều ước quốc tế khung về ODA hoặc thỏa thuận danh mục dự án được ký kết.

Theo luật này, Chương trình, dự án sẽ được cấp bảo lãnh Chính phủ nếu đã hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư và các quy định của pháp luật có liên quan; có đề án vay, phát hành trái phiếu, phương án sử dụng vốn vay, trả nợ được Bộ Tài chính thẩm định và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Người vay, người phát hành trái phiếu được cấp bảo lãnh Chính phủ là doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư phải bảo đảm tối thiểu 20% tổng mức vốn đầu tư là vốn chủ sở hữu. Đối với các tổ chức tài chính, tín dụng phải đạt hệ số an toàn vốn theo qui định của Chính phủ, trừ ngân hàng chính sách của Nhà nước.

Trường hợp dự án, công trình trọng điểm, dự án lớn có tính cấp bách và có tầm quan trọng đặc biệt cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, nếu doanh nghiệp chưa đáp ứng đủ điều kiện về vốn chủ sở hữu, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định miễn áp dụng điều kiện này trong từng trường hợp cụ thể.

Siết chặt điều kiện được điều chỉnh quy hoạch đô thị

Cùng chiều, Quốc hội đã thông qua Luật quy hoạch đô thị quy định về hoạt động đô thị gồm lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch đô thị; tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị và quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch đô thị được duyệt.

Trước khi thông qua, Quốc hội cũng đã biểu quyết riêng đối với một số điều cụ thể như: yêu cầu đối với quy hoạch đô thị; trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch đô thị; thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị; điều kiện điều chỉnh quy hoạch đô thị.

Theo đó, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức lập quy hoạch chung đô thị mới có phạm vi quy hoạch liên quan đến địa giới hành chính của hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên, quy hoạch chung đô thị mới có quy mô dân số dự báo tương đương với đô thị loại III trở lên và quy hoạch khác.

Quy hoạch đô thị chỉ được điều chỉnh khi có một trong các trường hợp như có sự điều chỉnh về Chiến lược, định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị quốc gia, quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị cấp trên và địa giới hành chính làm ảnh hưởng lớn đến tính chất, chức năng, quy mô của đô thị hoặc khu vực lập quy hoạch; hình thành các dự án trọng điểm có ý nghĩa quốc gia làm ảnh hưởng lớn đến sử dụng đất, môi trường, bố cục không gian kiến trúc đô thị.

Quy hoạch đô thị cũng chỉ được điều chỉnh khi có Quy hoạch đô thị không thực hiện được hoặc việc triển khai thực hiện gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, an sinh xã hội và môi trường sinh thái, di tích lịch sử, văn hóa; có sự biến động về điều kiện khí hậu, địa chất, thủy văn; phục vụ lợi ích quốc gia và lợi ích cộng đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục