'Du lịch cung cấp dịch vụ du khách cần, chứ không chỉ cái chúng ta có'

Thủ tướng cho rằng phải có tư duy mới, cách tiếp cận mới, cách làm mới trong lĩnh vực du lịch theo hướng “cung cấp những dịch vụ du lịch mà khách du lịch cần chứ không chỉ cái chúng ta có."
'Du lịch cung cấp dịch vụ du khách cần, chứ không chỉ cái chúng ta có' ảnh 1Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Sáng 21/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đồng chủ trì hội nghị.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ với đầu cầu 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có các điểm du lịch thu hút khách quốc tế.

Dự hội nghị tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ có các Bộ trưởng, Thủ tưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực du lịch và các ngành liên quan.

Dự tại các điểm cầu ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có chủ tịch, phó chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố.

Báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết du lịch Việt Nam đã tăng trường nhanh và đạt nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy giao lưu quốc tế. Việt Nam đã từng được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đánh giá là một trong 10 nước có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Năm 2019, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 18 triệu lượt người. Du lịch Việt Nam đã tạo dựng được một số thương hiệu có uy tín trong nước và quốc tế, chất lượng và tính chuyên nghiệp của du lịch Việt Nam ngày càng được cải thiện.

Từ năm 2020, đại dịch COVID-19 xảy ra đã tác động tiêu cực đến ngành du lịch toàn cầu trong đó có Việt Nam. Lượng khách du lịch đặc biệt là khách quốc tế vào Việt Nam và doanh thu du lịch đã sụt giảm nghiêm trọng, kéo theo nhiều đứt gãy, gián đoạn trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch. Năm 2021, khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 3.500 lượt khách.

Cùng với những yếu tố tích cực từ công tác phòng, chống dịch, từ ngày 15/3/2022, Việt Nam đã chính thức mở cửa lại hoạt động du lịch trên tinh thần "thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19." Nhờ đó, hoạt động du lịch đã khôi phục trở lại, đặc biệt là du lịch nội địa diễn ra sôi động tại nhiều địa phương trên cả nước.

Tuy nhiên, hoạt động du lịch quốc tế vẫn khôi phục chậm. Năm 2022, cả nước đón khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế. Trong khi đó, nhiều thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam như ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Tây Âu... đã dần dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch, khởi động nhiều chính sách để khai thông hoạt động du lịch, thu hút khách quốc tế.

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, các chuyên gia tập trung phân tích nguyên nhân, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn, giải pháp thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam.

Các đại biểu cho rằng khách du lịch vào Việt Nam còn ít một phần do tác động của tình hình xung đột, diễn biến dịch và chính sách phòng, chống dịch COVID-19 của một số nước. Một phần do nguồn lực quảng bá, xúc tiến du lịch chưa phát huy hiệu quả. Các sản phẩm, dịch vụ du lịch của Việt Nam còn hạn chế. Chính sách visa chưa tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đến và kéo dài thời gian lưu trú ở Việt Nam...

[Thủ tướng: Sáng tạo, chuyển đổi xanh để thu hút du lịch quốc tế]

Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cho rằng để du lịch Việt Nam phát triển bền vững, thu hút nhiều khách du lịch hơn, cần có một chương trình phát triển du lịch mang tổng thể quốc gia. Trong đó, triển khai đa dạng, phong phú các sản phẩm du lịch; thúc đẩy xúc tiến, quảng bá, mở rộng thị trường, chuỗi cung ứng du lịch; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh vào phát triển du lịch; hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch và ngành liên quan về vốn, thuế, phí để đầu tư khôi phục, phát triển du lịch; thành lập ban chỉ đạo phát triển du lịch; mở thêm các đường bay tạo điều kiện cho khách du lịch đến các điểm du lịch thuận lợi... Một số bộ, ngành đã giải đáp các thắc mắc, câu hỏi mà các đại biểu, doanh nghiệp đề xuất.

'Du lịch cung cấp dịch vụ du khách cần, chứ không chỉ cái chúng ta có' ảnh 2Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực và thành tích đạt được, cũng như chia sẻ với những khó khăn của ngành du lịch và các ngành, đơn vị trong thời gian qua.

Thủ tướng ghi nhận những ý kiến tâm huyết, sâu sắc, trách nhiệm, sát thực tế về tình hình phát triển du lịch nói chung và thu hút khách quốc tế vào Việt Nam nói riêng; đưa ra nhiều ý tưởng, sáng kiến khả thi nhằm đẩy nhanh việc phục hồi toàn diện ngành du lịch; đề xuất nhiều giải pháp thiết thực để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc thúc đẩy phát triển du lịch trong bối cảnh mới, để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng phải có tư duy mới, cách tiếp cận mới, cách làm mới trong lĩnh vực du lịch theo hướng “cung cấp những dịch vụ du lịch mà khách du lịch cần chứ không chỉ cái chúng ta sẵn có” để có bứt phá về du lịch trong thời gian tới.

Phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.

Theo Thủ tướng, giữa du lịch Việt Nam, du lịch khu vực và thế giới có mối quan hệ mật thiết, tác động qua lại, ảnh hưởng lẫn nhau. Phát triển du lịch Việt Nam phải đặt trong tổng thể phát triển du lịch của thế giới và khu vực. Phát triển du lịch luôn gắn với kinh tế, văn hóa, lịch sử, truyền thống dân tộc, đất nước, con người Việt Nam; với bảo vệ môi trường và thiên nhiên; giải quyết vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

“Việc phát triển du lịch phải chú trọng tính chuyên nghiệp, hiện đại, đa dạng, bản sắc độc đáo riêng có của Việt Nam; phải kiên định mục tiêu nhưng hết sức linh hoạt, thích ứng, luôn đổi mới sáng tạo, gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số," Thủ tướng chỉ rõ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo phải quán triệt và thực hiện nghiêm các quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về du lịch, nhất là Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, trong đó phải có đột phá phù hợp với tình hình, yêu cầu mới.

Cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng tăng cường kết nối vùng miền, đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế; chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị, hình thành nên các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo như du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh, du lịch ẩm thực, du lịch xanh, bền vững… Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

“Chúng ta phải giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn, nhân văn, hiếu khách, thuận lợi; làm ấm lòng du khách, hài lòng chủ nhà," Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định khuyến khích phát triển du lịch, tạo thuận lợi cho khách du lịch cả nội địa và quốc tế. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, giải pháp đột phá để thúc đẩy phát triển ngành du lịch, khai thác các yếu tố riêng có của Việt Nam, nhất là 9 điểm du lịch Việt Nam được vinh danh thế giới.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh phải nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế về du lịch. Làm sao để du khách quốc tế đến với Việt Nam thực sự cảm nhận “Trăm nghe không bằng một thấy;" đến một lần muốn đến lần thứ hai, đến một lần rồi nhớ mãi; người này đến lại truyền cảm hứng cho nhiều người khác đến. Cơ cấu lại các hoạt động du lịch phù hợp với tiềm năng, lợi thế của Việt Nam, đáp ứng với xu thế toàn cầu và thích ứng với những biến động trên thị trường du lịch thế giới.

“Hiện nay, các nước khu vực châu Âu đang là mùa Đông, thời tiết lạnh, trong khi nước ta có những vùng nắng ấm, thời tiết đẹp; cần nghiên cứu để có giải pháp phù hợp để tận dụng, phát huy hơn nữa lợi thế đó," Thủ tướng chỉ rõ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị xây dựng các mô hình, sản phẩm du lịch mới, độc đáo, khác biệt dựa trên nền tảng các giá trị lịch sử, văn hóa dân tộc, điều kiện tự nhiên đặc trưng; kinh tế ban đêm; đồng thời, bổ sung các giá trị mang tính sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực du lịch.

'Du lịch cung cấp dịch vụ du khách cần, chứ không chỉ cái chúng ta có' ảnh 3Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Ngành du lịch phải nâng cao khả năng cạnh tranh về giá cả và chất lượng dịch vụ; tập trung khai thác thị trường khách du lịch truyền thống, thị trường khách du lịch chất lượng cao, mở rộng thị trường tiềm năng, có khả năng tăng trưởng nhanh, có mức chi tiêu cao và lưu trú dài ngày.

Các bộ, ngành, các cấp cần đơn giản hóa quy trình, thủ tục, tạo thuận lợi về nhập cảnh, xuất cảnh, đi lại, lưu trú cho khách du lịch quốc tế, áp dụng thị thực điện tử; nghiên cứu mở rộng cơ chế thí điểm miễn, kéo dài thị thực nhập cảnh cho công dân các nước; tạo điều kiện cho các hãng Hàng không trong nước và quốc tế mở các đường bay mới, trực tiếp kết nối Việt Nam với các thị trường du lịch trọng điểm và tiềm năng.

“Tinh thần là việc nào thuộc thẩm quyền của các bộ thì chủ động triển khai, thuộc Chính phủ thì trình ngay, thuộc thẩm quyền Quốc hội thì khẩn trương nghiên cứu, báo cáo Quốc hội," Thủ tướng nhắc nhở.

Cùng với đó, tăng cường xúc tiến đầu tư, thông tin, truyền thông, quảng bá về hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam tới bạn bè, du khách quốc tế, trong đó có việc mở các văn phòng đại diện quảng bá, xúc tiến du lịch ở nước ngoài. Tăng cường đối tác công-tư, huy động các nguồn lực xã hội trong nước và quốc tế để đầu tư phát triển cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng du lịch, nhất là ở những vùng có tiềm năng, bao gồm cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm; mở rộng mạng lưới giao thông đường bộ, đường hàng không… Đề cao vai trò của kinh tế tư nhân, hộ gia đình trong phát triển hệ sinh thái du lịch. Thúc đẩy hình thành các liên minh, liên kết du lịch giữa các vùng, các địa phương, điểm đi và điểm đến, trong nước và quốc tế để tận dụng, chia sẻ hạ tầng sẵn có, làm tăng thêm tiện ích, tăng thêm các giá trị cho du khách, tạo ra thêm các sản phẩm du lịch riêng có, bản sắc, hấp dẫn.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ động tham gia và có sáng kiến hình thành các nhóm hợp tác, liên kết phát triển du lịch giữa các quốc gia, các điểm đến trong khu vực ASEAN, châu Á-Thái Bình Dương. Phối hợp chặt chẽ, phát huy hiệu quả vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức, cá nhân Việt Nam, các kênh ngoại giao… nhằm quảng bá, phát triển du lịch.

Cùng với đó, phục hồi nhanh và phát triển bền vững du lịch gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số; tập trung phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu số, các nền tảng số kết nối hệ thống thông tin cho công tác hoạch định chính sách và điều hành, quản lý nhà nước, phục vụ doanh nghiệp, khách du lịch trong nước, quốc tế.

Đặc biệt chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch theo các quy chuẩn quốc tế; có cơ chế đánh giá, công nhận trình độ, kỹ năng cho người lao động ngành du lịch; đẩy mạnh đào tạo tại chỗ nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động trong ngành du lịch...

“Phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và là ngành kinh tế tổng hợp. Do đó cần sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và có sự cạnh tranh phát triển bình đẳng, lành mạnh giữa các ngành, doanh nghiệp," Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ tin tưởng, với tiềm năng đất nước, trí tuệ con người Việt Nam, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chung tay, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp du lịch; đặc biệt là sự tích cực, chủ động, sáng tạo của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành, địa phương, ngành du lịch Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng xây dựng đất nước hùng cường, phồn vinh, nhân dân ấm no, hạnh phúc./.

 Sáng 21/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Sáng 21/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khi đại dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, Chính phủ đã có quyết định đúng đắn là mở cửa nền kinh tế sớm so với một số nước. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khi đại dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, Chính phủ đã có quyết định đúng đắn là mở cửa nền kinh tế sớm so với một số nước. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến tại trụ sở Chính phủ. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến tại trụ sở Chính phủ. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng báo cáo tình hình thu hút du lịch quốc tế đến Việt Nam. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng báo cáo tình hình thu hút du lịch quốc tế đến Việt Nam. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Viễn thông Mobifone Nguyễn Hồng Hiển phát biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Viễn thông Mobifone Nguyễn Hồng Hiển phát biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) Tào Đức Thắng phát biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) Tào Đức Thắng phát biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Tổng Giám đốc Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam, Lê Hồng Hà phát biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Tổng Giám đốc Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam, Lê Hồng Hà phát biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty du lịch Sài Gòn Võ Thành Tài phát biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty du lịch Sài Gòn Võ Thành Tài phát biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang phát biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang phát biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình phát biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình phát biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Viễn thông Mobifone Nguyễn Hồng Hiển phát biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Viễn thông Mobifone Nguyễn Hồng Hiển phát biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục