Du lịch Hà Nội với bài toán “mỗi làng 1 sản phẩm”

Lần đầu tiên Ủy ban nhân dân thành phố và Sở Công Thương Hà Nội sẽ cùng nhau xúc tiến thương mại, du lịch "Mỗi làng một sản phẩm."
Cuối tháng 10 vừa qua, lần đầu tiên Ủy ban Nhân dân thành phố và Sở Công Thương đã phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế xúc tiến thương mại “Mỗi làng một sản phẩm” với hàng trăm chuyên gia tại Hà Nội để cùng giải “bài toán” phát triển thương mại và du lịch làng nghề ở Hà Nội.

Tiềm năng lớn

Theo báo cáo điều tra của tổ chức JICA Nhật Bản, thành phố Hà Nội hiện có gần 100 làng nghề đạt doanh thu 10-20 tỷ đồng/năm, 70 làng nghề đạt 20-50 tỷ đồng/năm, chiếm 47 nghề trên tổng số 52 nghề của cả nước với hàng chục nhóm nghề đang phát triển như gốm sứ, da giày, điêu khắc, khảm trai, thêu ren, sơn mài, mây tre đan, chế biến nông sản thực phẩm, mộc…

Số liệu trên cho thấy hiệu quả cũng như tiềm năng lớn của các làng nghề ở ngay trung tâm chính trị, văn hóa xã hội của cả nước đối với thương mại, du lịch.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Đào Thu Vịnh nhận định: “Tiềm năng phát triển ‘Mỗi làng một sản phẩm’ của Hà Nội sẽ tập trung vào ba nhóm chính bao gồm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm nông sản chế biến và các dịch vụ du lịch làng nghề.”

Bà Vịnh cho rằng, mỗi làng nghề đều ẩn chứa trong nó những giá trị văn hóa và truyền thống khác nhau đã tạo nên muôn hình muôn vẻ các làng nghề ở Hà Nội. Đây thực sự là một lợi thế cho du lịch Hà Nội.

Thực tế, nhiều làng nghề hình thành từ lâu đời, nổi tiếng được du khách trong nước và quốc tế biết đến và trở thành những điểm đến của du lịch Thủ đô như: Gốm sứ Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, thêu Quất Động, sơn mài Duyên Thái, khảm trai Chuôn Ngọ, mây tre đan Phú Vinh, điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng, dát vàng bạc quý Kiêu Kỵ, đúc đồng Ngũ Xã…

Thời gian qua, Sở Công thương cũng đã xây dựng quy hoạch 15 làng nghề kết hợp du lịch, trong đó một số làng nghề đang nhận được nhiều quan tâm như: tour thăm làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ-thêu Thắng Lợi-sơn mài Hạ Thái; tour thăm làng nghề mây tre đan Phú Vinh-lụa Vạn Phúc; tour thăm làng lụa Vạn Phúc-điêu khắc tạc tượng Sơn Đồng; tour thăm làng nghề gốm sứ Bát Tràng-may da…

Nỗ lực là vậy song không thể phủ nhận du lịch làng nghề ở Hà Nội vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế.

"Người dân còn chưa quen với hình thức du lịch làng nghề, thiếu kiến thức về du lịch, tiếp thị và trình độ ngoại ngữ còn hạn chế khi đón khách nước ngoài. Cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các dịch vụ cần thiết để đón khách còn thiếu. Sản phẩm du lịch hiện vẫn còn dựa vào tài nguyên có sẵn, ít tạo ra sự khác biệt giữa các làng nghề," bà Vịnh đánh giá.

Bên cạnh đó, người dân mới chỉ quen đầu tư khai thác sản phẩm du lịch ở dạng thô, đơn giản khiến cho hình thức đơn điệu, chương trình du lịch kém hấp dẫn…

Phát huy cách nào?

Đại diện Ủy ban nhân dân thành phố Hội An đã chia sẻ tại hội thảo một số giải pháp về quảng bá, xúc tiến thương mại gắn với du lịch mà địa phương này từng áp dụng thành công như: Khai thác có hiệu quả các nhà đón tiếp khách và trưng bày sản phẩm tại Trung tâm làng nghề bằng việc tổ chức trưng bày các sản phẩm, văn hóa làng nghề xưa và nay kết hợp với các hoạt động phụ trợ về văn hóa-văn nghệ, dịch vụ, giới thiệu làng nghề, cơ sở sản xuất thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tờ rơi…

Vị này cũng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của hình thức thương mại điện tử để thu hút khách thăm quan và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm làng nghề đồng thời liên kết với các tổ chức lữ hành, các doanh nghiệp khách sạn trong và ngoài địa phương. Trên cơ sở đó, tổ chức các tour độc lập thích hợp đưa du khách trực tiếp đến thăm quan làng nghề, thúc đẩy sản xuất, dịch vụ, thương mại phát triển theo hướng cộng đồng.

Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Đào Thu Vịnh khẳng định: “Để phát triển phong trào ‘Mỗi làng một sản phẩm’ ở Thủ đô Hà Nội thực sự có hiệu quả trước hết cần sự hỗ trợ tích cực từ phía Nhà nước bằng các cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý thuận lợi; trong đó chú trọng tới chính sách xúc tiến thương mại đối với sản phẩm làng nghề.”

Bà Vịnh cũng lưu ý, các nhà sản xuất cần chủ động sản xuất các sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường, chú trọng phát triển những sản phẩm mới có tính sáng tạo, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống.

Đặc biệt, cần hợp tác với các tổ chức quốc tế có kinh nghiệm trong việc thiết kế mẫu sản phẩm, áp dụng công nghệ hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhất là kinh nghiệm xúc tiến thương mại cho các sản phẩm làng nghề./.

Xuân Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục