Du lịch Hè: Lữ hành sẽ tăng mạnh giá tour sau hiệu ứng tăng giá vé máy bay

Giá tour nội địa năm nay sẽ tăng và có thể tăng cao tới 30% là khẳng định của đại diện các đơn vị lữ hành. Song, mức giá sẽ tăng nhẹ dịp nghỉ lễ 30/4, sau đó nhích dần vào dịp cao điểm du lịch Hè.

Du khách nghe giới thiệu và trực tiếp trải nghiệm làm tranh Đồng Hồ. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Du khách nghe giới thiệu và trực tiếp trải nghiệm làm tranh Đồng Hồ. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Với việc tăng trần giá vé máy bay áp dụng từ ngày 1/3, một số đơn vị lữ hành lớn, mạnh về tiềm lực tài chính cho biết sẽ tăng giá tour vào cao điểm du lịch Hè, còn dịp 30/4 tạm thời giữ được mức bình ổn cho kỳ nghỉ lễ 30/4 do đã ký quỹ từ trước Tết. Trong khi đó, rất nhiều công ty du lịch tầm trung và nhỏ đã buộc phải nâng giá ngay từ bây giờ. Mức tăng tới cao điểm Hè dự kiến lên tới 20-30%.

Các chuyên gia cho rằng để mặt bằng giá của ngành công nghiệp không khói Việt Nam cứ “đến hẹn lại tăng” như vậy không chỉ bởi những lý do khách quan, mà còn do thiếu “cái bắt tay” giữa ngành hàng không và du lịch.

Tăng giá tới 30% vào cao điểm Hè

Theo Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TopTravel Việt Nam, bà Nguyễn Hà My, do các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet đều giảm tàu bay đi bảo dưỡng, Pacific không khai thác, Bamboo thì giảm hầu hết các đường bay và chỉ còn duy trì số ít nên giá tour nội địa năm nay giá sẽ tăng cao.

"Seri vé máy bay quý 2, quý 3 mãi đến giữa tháng Tư mới được duyệt giá nên tour của chúng tôi buộc phải tăng giá ngay từ quý 2, với mức từ 10-15%. Về giá tour kỳ nghỉ lễ 30/4 do đã ‘ôm’ vé từ trước Tết nên chúng tôi mới giữ được ở mức không tăng nhiều, nhưng đợt cao điểm Hè sẽ buộc phải tăng 20-30%,” đại diện TopTravel Việt Nam cho biết.

vnp_mai mai.jpg
Du khách Việt trải nghiệm bữa ăn mang phong cách hoàng gia. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Với mức tăng giá tour nội địa cao như vậy sẽ rất khó "chốt" khách. Không chỉ TopTravel Việt Nam mà đại diện một số công ty cũng cho hay sẽ giảm thiểu các tour, tuyến có đường bay trong nước bởi giá tour nội địa bằng, thậm chí còn cao hơn một số tour quốc tế thì đa số khách thường chọn xuất ngoại.

Thực tế, việc tăng giá mỗi dịp lễ, Tết ở Việt Nam dường như đã thành lệ “đến hẹn lại tăng.” Song, nguyên nhân không chỉ ở phía các đơn vị lữ hành mà cũng do người dân Việt Nam thường có thói quen đặt tour cận ngày khởi hành.

Giám đốc Tiếp thị Truyền thông, Công ty dịch vụ Lữ hành Saigontourist, bà Đoàn Thị Thanh Trà cho rằng nếu còn giữ thói quen như vậy chắc chắn khách hàng sẽ bị thiệt thòi. Bởi nếu mua tour cận ngày đi sẽ phát sinh các dịch vụ khác với những dịch vụ mà công ty lữ hành đã đóng gói bán, khách sẽ phải chịu mức giá tăng hơn 10-15%.

Đại diện Saigontourist chia sẻ sau kỳ nghỉ lễ 30/4, tới cao điểm Hè vào khoảng tháng Bảy, với mức tăng giá trần vé máy bay như hiện nay, công ty sẽ phải tăng giá tour tới 15%. Việc tăng giá này cũng là yếu tố khách quan bởi lữ hành phụ thuộc rất nhiều vào lưu trú, hàng không.

Với mức giá mới sắp tới, những khách hàng thực sự có nhu cầu và thu nhập tốt vẫn sẽ sử dụng dịch vụ như bình thường, nhưng với nhóm khách hàng có mức thu nhập trung bình sẽ phải điều chỉnh lại.

z5115814033748_c5f62c425b3941a5bc7eaee1e8626f57.jpg
Ẩm thực độc đáo và hương vị bản địa góp phần níu chân du khách trên hành trình khám phá điểm đến. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Bà Trà nhận định: “Thực tế, xu hướng du khách chuyển hướng lựa chọn các tour du lịch nước ngoài nhiều so với các tour nội địa trong dịp nghỉ lễ đã diễn ra từ nhiều năm nay. Nhiều tour trong khu vực Đông Nam Á giá rất cạnh tranh so với những sản phẩm tour du khách di chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh ra phía Bắc, đặc biệt là các tuyến Đông Bắc, Tây Bắc.”

“Chúng tôi đánh giá những gia đình có con nhỏ có xu hướng lựa chọn những chùm tour nghỉ dưỡng ở trong nước nhiều hơn. Vì thế, về tổng thế có thể đánh giá du lịch Việt Nam đang thiếu tính cạnh tranh so với các điểm đến nước ngoài. Nhưng so về số lượng khách thì cũng không phải du khách chuyển hoàn toàn sang tour nước ngoài,” bà Trà nói.

Du lịch và hàng không đều "thủng lưới"

Phó trưởng phòng Thương mại hành khách Vietnam Airlines, bà Lê Thị Tố Linh, cho biết hãng này sẽ mở bán 10.000 vé máy bay giảm giá trong 4 ngày tại Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2024 (diễn ra từ ngày 11-14/4, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt – Xô).

Tuy nhiên, chỉ các công ty du lịch mới được mua loại vé giảm giá này để tạo thành combo du lịch (vé máy bay + phòng khách sạn cùng các ưu đãi khác) bán cho du khách. Còn khách lẻ sẽ được áp dụng chương trình giảm giá tới 15%.

vnp_chua huong tich 10.jpg
Giá vé máy bay cao dễ khiến du khách "quay lưng" chọn du lịch gần với phương tiện cá nhân. (Ảnh minh họa: Mai Mai/Vietnam+)

Động thái này của Vietnam Airlines được đánh giá là tích cực giữa bối cảnh hàng không và du lịch trong mắt “người trong cuộc” vẫn bị coi là “mạnh ai nấy làm” mỗi dịp cao điểm.

Trong thực tế vận hành, hàng không coi trọng tỷ lệ lấp đầy trên mỗi chuyến bay (mà thường lâm cảnh đầy ắp chiều đi, vắng vẻ chiều về dịp cao điểm), trong khi du khách lại căn ke về giá. Giá cao, họ sẽ chọn không bay và lập tức có phương án thay thế du lịch gần bằng phương tiện tự túc cá nhân. Nếu vậy, kết quả là cả du lịch và hàng không đều “thủng lưới.”

Chính vì thế, các chuyên gia du lịch cho rằng dịp lễ, Tết hàng không và lữ hành nên hợp tác bằng cách giảm giá vé máy bay vào các ngày trước và sau lễ; truyền thông đủ để khách hàng nhận thấy lợi ích của việc khởi hành trước và sau lễ một, hai ngày có thể tiết kiệm được nhiều chi phí, qua đó có cơ sở lấp đầy cả chiều đi lẫn chiều về trên chuyến bay.

Đương nhiên, bài toán lợi ích này không phải chỉ là vấn đề của ngành du lịch và hàng không. Bởi theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ông Vũ Thế Bình, nếu cứ đổ lỗi cho nhau thì tất cả cùng thua. Các bên cần ngồi lại để tìm “tiếng nói chung,” tạo ra sản phẩm có giá tốt nhất cho thị trường và khách hàng. Đặc biệt là phải có một “nhạc trưởng” để dung hòa lợi ích các bên, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm.

Dalat.jpg
Vẻ đẹp mờ sương mỗi sớm bình minh của thành phố Đà Lạt mộng mơ. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Thời điểm này, khi nền kinh tế đã “ngấm đủ đòn” hậu đại dịch COVID-19 khiến khó khăn bao trùm lên toàn bộ đời sống, hàng không, lữ hành hay các nhà kinh doanh du lịch không chỉ cần tính toán lợi ích cho mình mà việc cần thiết là làm thế nào để mang đến nhiều lợi ích hơn cho khách hàng, kéo họ đi du lịch nhiều hơn.

Theo Phó tổng giám đốc Flamingo Holding Group, Tổng Giám đốc Flamingo Redtours, ông Nguyễn Công Hoan, trong năm nay, khuyến mại về giá sẽ không còn là yếu tố hấp dẫn nữa mà các đơn vị du lịch phải “khuyến mại” bằng thêm dịch vụ mới, nâng cao lượng nhằm gia tăng trải nghiệm cho khách hàng.

“Với Flamingo chúng tôi tương đối thành công trong năm 2023, và mục tiêu trong năm 2024 của tập đoàn là đưa ra 5 tiêu chí để thu hút khách ở các cơ sở lưu trú: Check-in, ẩm thực, giải trí, các hoạt động về sức khỏe, tổ chức các lễ hội. Năm tiêu chí chủ đề này sẽ được quay vòng liên tục để luôn tạo nét mới mẻ, thu hút du khách,” ông Hoan cho hay.

Ông Hoan nhấn mạnh việc cần đưa khách hàng làm trung tâm, tích cực đầu tư đánh giá tâm lý khách hàng nhằm thu về hiệu quả. Bởi nếu chỉ “có gì dùng nấy” sẽ rất khó hấp dẫn du khách, kích thích họ xê dịch trong bối cảnh hiện nay./.

du lich ben vung.1.jpg
2024, khuyến mại giá sẽ không còn là yếu tố hấp dẫn mà các đơn vị du lịch phải “khuyến mại” bằng thêm dịch vụ mới, nâng cao lượng nhằm gia tăng trải nghiệm cho khách hàng mới mong hấp dẫn du khách. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục