Du lịch Việt Nam sau đại dịch COVID-19: Nắm cơ hội, vượt thách thức

Hội thảo du lịch 2021 thảo luận về định hướng, giải pháp phục hồi-phát triển du lịch thời gian tới, từ đó đề xuất với Quốc hội, Chính phủ có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, có chính sách đột phá.
Du lịch Việt Nam sau đại dịch COVID-19: Nắm cơ hội, vượt thách thức ảnh 1Ông Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phát biểu khai mạc. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Ngày 25/12, tại thị xã Cửa Lò (Nghệ An), Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo Du lịch 2021 với chủ đề "Du lịch Việt Nam-Phục hồi và phát triển."

Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại thị xã Cửa Lò (Nghệ An) và kết nối trực tuyến với các điểm cầu trên cả nước.

Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các Ủy viên Trung ương Đảng Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Thái Thanh Quý, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An; lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế, Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO); hàng trăm chuyên gia, đại diện doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực du lịch trong và ngoài nước; lãnh đạo một số địa phương trong cả nước...

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, tại Việt Nam, ngành du lịch được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách để định hướng phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Sau 30 năm đổi mới, ngành du lịch đã có bước phát triển nhanh cả về quy mô và chất lượng. Đội ngũ doanh nghiệp kinh doanh du lịch, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch ngày càng lớn mạnh. Hạ tầng du lịch được nhà nước, xã hội quan tâm đầu tư.

Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn trên thế giới. Khách du lịch quốc tế, trong nước và doanh thu từ du lịch liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP của đất nước.

Du lịch đã góp phần quảng bá hình ảnh và khẳng định vị thế của Việt Nam trong quá trình phát triển, hội nhập quốc tế.

Với vị trí, vai trò và tiềm năng, lợi thế của ngành, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam tới năm 2030 đã đặt ra kỳ vọng lớn cho ngành du lịch.

Tuy nhiên, trong gần 2 năm qua, do tác động của đại dịch COVID-19, du lịch Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Thị trường du lịch và các hoạt động du lịch bị đứt gãy, đình trệ, làm cho toàn ngành không đạt được các chỉ tiêu, chệnh hướng quỹ đạo tăng trưởng.

[Mở lại đường bay thương mại quốc tế: Giải pháp cho du lịch, hàng không]

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang dần được kiểm soát, ngành du lịch cũng như nền kinh tế cả nước hiện đang từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, con đường dẫn tới sự phục hồi du lịch, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Vừa qua, Quốc hội đã tổ chức “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021," thảo luận các chính sách để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Tiếp nối thành công của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 và các hội thảo khác về lĩnh vực du lịch trong thời gian qua, Hội thảo Du lịch 2021 được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cùng với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Nghệ An và các bộ, ngành Trung ương, địa phương phối hợp tổ chức, thảo luận, làm rõ hơn các chính sách hỗ trợ du lịch, một lĩnh vực quan trọng, có sức lan tỏa lớn trong quá trình phục hồi kinh tế, xã hội sau đại dịch.

Du lịch Việt Nam sau đại dịch COVID-19: Nắm cơ hội, vượt thách thức ảnh 2Ông Rrần Thanh Mẫn (phải), Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội và đồng chí Thái Thanh Quý, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An dự Hội thảo. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Hội thảo sẽ cung cấp bức tranh tổng thể, bao quát hơn về thực trạng của du lịch thế giới và Việt Nam dưới tác động của đại dịch COVID-19; cơ hội và thách thức đặt ra đối với du lịch Việt Nam; thảo luận về quan điểm, định hướng, giải pháp để phục hồi và phát triển du lịch trong thời gian tới.

Trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, quyết định những chính sách đột phá để phục hồi và phát triển du lịch, gắn với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sẽ được các cấp có thẩm quyền cho ý kiến trong thời gian tới.

Đồng thời, thông qua Hội thảo, Ban Tổ chức mong muốn các kinh nghiệm quý báu của các quốc gia trên thế giới, các địa phương, doanh nghiệp sẽ được chia sẻ và lan tỏa, thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam diễn ra nhanh, bền vững hơn.

Hội thảo bao gồm 2 phiên diễn ra trong sáng và chiều 25/12. Trong phiên chuyên đề được tổ chức vào sáng 25/12, hội thảo nghe báo cáo của các bộ, ngành Trung ương, ý kiến tham luận và thảo luận của lãnh đạo các địa phương, các chuyên gia và các doanh nghiệp về chính sách, giải pháp phục hồi, phát triển du lịch, xu hướng và kinh nghiệm thế giới vượt qua khủng hoảng COVID-19 để phát triển du lịch.

Trong phiên toàn thể được tổ chức vào chiều 25/12, hội thảo sẽ tiếp tục nghe phát biểu của lãnh đạo Quốc hội và Chính phủ; nghe các báo cáo đánh giá về tác động của dịch COVID-19, đề xuất giải pháp phục hồi du lịch Việt Nam giai đoạn 2022-2023 của các bộ, ngành và ý kiến tham luận, thảo luận của lãnh đạo các địa phương, các chuyên gia trong nước, quốc tế, doanh nghiệp.

Dự đoán những xu hướng du lịch sau đại dịch

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết Việt Nam trong suốt 4 đợt bùng phát của dịch COVID-19, các hoạt động du lịch quốc tế đóng cửa hoàn toàn, khách nước ngoài chủ yếu là các chuyên gia, khách công vụ.

Du lịch nội địa hoạt động phụ thuộc vào chu kỳ bùng phát dịch và diễn ra hết sức cầm chừng. Năm 2020, lượng khách quốc tế chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 80% so với năm 2019; khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2019; tổng thu từ du lịch đạt 312.200 tỷ đồng, giảm 59% so với năm 2019.

Năm 2021, với đợt dịch thứ 4 bùng phát mạnh trong cả nước đã khiến các hoạt động kinh tế, xã hội của phần lớn tỉnh, thành trong cả nước đình trệ nhiều tháng, khách du lịch quốc tế chưa đón, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2020.

Du lịch Việt Nam sau đại dịch COVID-19: Nắm cơ hội, vượt thách thức ảnh 3Cánh đồng rong biển - điểm du lịch khám phá ở Ninh Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Theo ông Đoàn Văn Việt, đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi thói quen sống, sinh hoạt cũng như nhu cầu của con người, những xu hướng du lịch sau đại dịch có thể được dự đoán như xu hướng du lịch đến những nơi an toàn tránh dịch bệnh; Xu hướng ứng dụng công nghệ nhằm quản lý đảm bảo an toàn, cũng như các dịch vụ hạn chế tiếp xúc; Xu hướng du lịch theo những nhóm nhỏ; Xu hướng du lịch ngắn ngày và đặt dịch vụ cận ngày; Xu hướng lựa chọn các hoạt động nghỉ dưỡng, gần gũi với thiên nhiên, thưởng thức văn hóa ẩm thực.

Để kịp thời nắm bắt xu thế và thích ứng linh hoạt, một số vấn đề đặt ra để phục hồi và phát triển du lịch trong bối cảnh mới được xác định, cụ thể như vấn đề kiểm soát dịch bệnh; Vấn đề khó khăn của các doanh nghiệp khi trải qua liên tiếp các đợt dịch kéo dài; vấn đề nhân lực du lịch; Vấn đề xúc tiến quảng bá và thu hút thị trường khách; Vấn đề chất lượng sản phẩm, là một trong những vấn đề then chốt để tăng khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế sau đại dịch.

Để du lịch Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, từng bước phục hồi và tiếp tục phát triển, lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, ngành du lịch mong tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đề nghị Quốc hội, Chính phủ một số giải pháp đề xuất.

Cụ thể, Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo tập trung thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển du lịch trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội năm 2022-2023, tạo đà cho du lịch phục hồi và đóng góp ngày càng hiệu quả cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước;

Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, lao động ngành du lịch vượt qua khó khăn hiện nay; Chỉ đạo ban hành các cơ chế, chính sách mới, ưu tiên, theo hướng tạo thuận lợi cho ngành du lịch tiếp tục phát triển như phát triển hạ tầng du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho khách quốc tế đến Việt Nam (visa, xét duyệt nhân sự nhập cảnh tại chỗ, tăng thời gian miễn thị thực...), cho phép thành lập văn phòng đại diện du lịch ở nước ngoài; đẩy mạnh thu hút đầu tư vào phát triển các sản phẩm du lịch ban đêm, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe, du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, du lịch trải nghiệm cộng đồng hướng tới phát triển bền vững...; Đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển công nghệ liên quan đến du lịch; Xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch trong giai đoạn bình thường mới./.

 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục