Dư luận Bosnia chia rẽ về bản án dành cho ông Karadzic

Dư luận Bonsia đã phản ứng rất khác nhau về bản án tù 40 năm mà Tòa án tội phạm chiến tranh Nam Tư dành cho ông Radovan Karadzic về những tội ác gây ra trong chiến tranh tại Bosnia từ năm 1992-1995.
Dư luận Bosnia chia rẽ về bản án dành cho ông Karadzic ảnh 1Ông Radovan Karadzic. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Dư luận Bonsia đã phản ứng rất khác nhau về bản án tù 40 năm mà Tòa án tội phạm chiến tranh Nam Tư (ICTY) ở La Haye dành cho ông Radovan Karadzic, cựu Tổng thống nước Cộng hòa Srpska, thực thể của người Serbia ở Bosnia-Herzegovina, về những tội ác mà quân đội thực thể này gây ra trong chiến tranh tại Bosnia từ năm 1992-1995.

Theo hãng tin ANSA, báo chí Srpska đã kết hợp việc phản ánh về bản án dành cho ông Karadzic với lễ kỷ niệm 17 năm ngày NATO bắt đầu chiến dịch không kích Nam Tư, đồng thời chuyển tải nhiều quan điểm của các chính trị gia Serbia về vấn đề này.

Trên báo chí Srpska, ông Milorad Dodik, Tổng thống Cộng hòa Srpska đã gọi bản án dành cho ông Karadzic là "kết quả của áp lực từ những cuộc vận động của quốc tế."

Thủ tướng Srpska Zeljka Cvijanovic thì khẳng định rằng: "Các quan điểm chính trị đã được áp dụng trong các cuộc tranh tụng."

Trong khi đó, hãng thông tấn Tanjug trích dẫn lời Tổng thống Serbia Tomislav Nikolic rằng "Bản án này không tác động lên vận mệnh của Serbia."

Trong khi đó, báo chí ở thủ đô Sarajevo của Bosnia, tập trung chủ yếu vào phản ứng của các nạn nhân chiến tranh và chính trị gia Bosnia.

Theo nhật báo Dnevni Avaz xuất bản ở Sarajevo, Hiệp hội các bà mẹ của những nạn nhân ở Srebrenica và Zepa và thị trưởng Srebrenica Camil Dukanovic đã lên tiếng thể hiện sự "thất vọng" đối với bản án, cho rằng ICTY cần dành mức án cao hơn nữa cho Karadzic.

Tháng 9 năm ngoái, công tố viên Alan Tieger đã đề nghị án chung thân cho Karadzic, nhưng án sơ thẩm chỉ là 40 năm. Ông Karadzic, năm nay 70 tuổi, đã tuyên bố sẽ kháng án.

Theo ICTY, với vai trò là người lãnh đạo chính trị cao nhất của người Serbia ở Bosnia, ông Karadzic đã ra lệnh thực hiện các cuộc diệt chủng, thanh lọc sắc tộc người Bosnia không thuộc cộng đồng Serbia.

Karadzic đã ra lệnh cho quân đội người Serbia bao vây thành phố Sarajevo của Bosnia trong vòng gần bốn năm từ 1991-1995, trực tiếp dẫn đến cái chết của hơn 11.000 người. Ông cũng bị tố cáo đã điều động quân đội gây ra vụ thảm sát ở Srebrenica vào tháng 8/1995, dẫn đến cái chết của hơn 8.000 người Hồi giáo Bosnia.

Karadzic cũng được cho là đã bật đèn xanh cho hàng loạt các tội ác khác mà quân đội người Serbia đã gây ra trong các năm đó, từ tra tấn, cướp bóc, hãm hiếp và thanh lọc sắc tộc ở nhiều nơi khác nữa trên lãnh thổ Bosnia.

Nhà bình luận chính trị Ivana Maric nói với trên website của tổ chức Hệ thống thông tin điều tra Balkan (BIRN) rằng xã hội Bosnia vẫn còn bị chia rẽ sâu sắc bởi những ký ức đau thương từ những gì đã xảy ra trong cuộc chiến tranh xảy ra ở Bosnia từ 1992-1995.

"Cuộc chiến đã kết thúc vào năm 1995 sau khi Hiệp định hòa bình Dayton được ký kết, và nhiều người ở cả hai phía vẫn nghĩ là mình đã làm đúng," bà Maric nói. "Không phải ai ở Bosnia cũng biết lắng nghe ý kiến của phía đối lập."

Trong khi đó, hôm 25/3, hàng nghìn người theo chủ nghĩa dân tộc đã biểu tình và tuần hành ở Belgrade, Serbia, nhằm phản đối bản án dành cho ông Karadzic và chống lại NATO.

Ông Vojislav Seselj, lãnh tụ của đảng Cấp tiến Serbia, tuyên bố rằng: "Bản án dành cho Karadzic là bản ánh dành riêng cho nhân dân, lịch sử và quốc gia Serbia. Họ cho rằng người Serbia chịu trách nhiệm đối với tất cả tội lỗi xảy ra ở Balkan."

Ông Seselj cũng tố cáo chính phủ Serbia đã chấp nhận hợp tác với NATO và EU. Bản thân Seselj cũng đang bị xét xử ở ICTY và hiện đang được cho phép trở lại Belgrade để chữa bệnh. Bản ánh dành cho vị lãnh đạo người Serbia này về vai trò của ông trong cuộc chiến ở Bosnia nhiều khả năng sẽ được tuyên vào tuần tới.

Chính phủ Belgrade khẳng định họ không đưa ra bất cứ bình luận nào về bản án dành cho Karadzic. Thủ tướng Serbia Aleksandar Vucic, người đã tổ chức một cuộc tuần hành vào năm 2008 để phản đối việc Serbia giao nộp Karadzic ra ICTY xét xử, nói rằng ông sẽ không để cho phán quyết của ICTY ảnh hưởng đến Cộng hòa Srpska.

Cuộc chiến ở Bosnia-Herzegovina nổ ra sau khi khi cộng đồng người Serbia, chiếm 32,5% dân số ở Bosnia, không công nhận việc Bosnia-Herzegovina tuyên bố độc lập, sau khi Slovenia và Croatia tách ra khỏi Liên bang Nam Tư vào năm 1991.

Xung đột đã nổ ra sau khi quân đội người Serbia ở Bosnia, được sự hậu thuẫn của Tổng thống Serbia Slobodan Milosevic và quân đội Nam Tư, tiến hành việc kiểm soát các phần lãnh thổ có cộng đồng người Serbia sinh sống. Chiến tranh sau đó lan rộng khắp lãnh thổ Bosnia, dẫn đến nhiều cuộc thanh lọc sắc tộc với người Hồi giáo Bosnia và người Croatia sống ở Bosnia. Hơn 100.000 người đã chết và 2,2 triệu người ly tán trong cuộc chiến.

Ông Milosevic cũng bị đưa ra xét xử tại ICTY, nhưng đã chết trong tù vào năm 2006, trước khi bản án được đưa ra./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục