Dư luận trái ngược về căng thẳng tại Iran

Dư luận thế giới những ngày qua đã lên tiếng về tình hình căng thẳng ở Iran, trong bối cảnh quốc gia Hồi giáo này sau cuộc bầu cử tổng thống vừa qua rơi vào vòng xoáy bạo động và mâu thuẫn chính trị sâu sắc nhất kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979.

Dư luận thế giới những ngày qua đã lên tiếng về tình hình căng thẳng ở Iran, trong bối cảnh quốc gia Hồi giáo này sau cuộc bầu cử tổng thống vừa qua rơi vào vòng xoáy bạo động và mâu thuẫn chính trị sâu sắc nhất kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979.

Bày tỏ ủng hộ chính phủ của Tổng thống Iran Mahmoud Amadinejad, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez ngày 21/6 kêu gọi thế giới tôn trọng Iran cũng như kết quả cuộc bầu cử tổng thống ở nước này hôm 12/6.

Phát biểu trong chương trình truyền hình và phát thanh hàng tuần, ông Chavez cho rằng "đang tồn tại âm mưu làm suy yếu chính phủ Iran để qua đó phá hoại thành quả của cuộc Cách mạng Hồi giáo".
 
Trong khi đó, cùng quan điểm với Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ về tình hình bất ổn ở Iran, lãnh đạo các nước Anh, Pháp, Italy và Israel cùng ngày 21/6 đã lần lượt lên án hành động trấn áp người biểu tình ở Iran, yêu cầu chính phủ nước này cho phép người dân biểu tình hoà bình và đảm bảo một kết quả bầu cử công bằng.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy nhấn mạnh những gì đang diễn ra ở Iran là "rất đáng lo ngại" và hành động của nhà chức trách trấn áp những người biểu tình là "không thể dung thứ". Ông Sarkozy kêu gọi Tehran chấm dứt ngay các hoạt động này.

Ngoại trưởng Italy Franco Frattini cũng yêu cầu chính quyền Iran không thực hiện thêm bất kỳ hành động bạo lực nào nhằm vào người biểu tình và nhanh chóng đưa ra giải pháp hoà bình cho cuộc khủng hoảng hiện nay.
 
Ngoại trưởng Anh David Miliband bác bỏ cáo buộc của Tổng thống Iran Mahmoud Amadinejad nói rằng Mỹ và Anh đang can thiệp tình hình nội bộ của Iran. Ông Miliband khẳng định chính phủ các nước không có bất kỳ hành động nào ủng hộ biểu tình bạo lực tại Iran. Tổng thống theo đường lối cứng rắn của Israel, ông Benjamin Netanyahu, ca ngợi "những hành động dũng cảm ngoài sức tưởng tượng của người biểu tình ở Iran nhằm bóc trần bản chất của chế độ độc tài".
 
Tehran cũng đang phải đối mặt với cáo buộc của giới báo chí. Tổ chức "Phóng viên không biên giới" (RSF) ngày 21/6 cho biết có ít nhất 23 phóng viên và người viết nhật ký mạng (blogger) ở Iran đã bị bắt giữ kể từ sau cuộc bầu cử hôm 12/6. Tổ hợp truyền thông BBC của Anh xác nhận một phóng viên thường trú tại Iran đã bị yêu cầu rời khỏi Iran trong 24 giờ. Tạp chí "Newsweek" của Mỹ cũng cho biết một phóng viên người Canada của tạp chí này đã bị bắt giữ và kêu gọi chính quyền Iran trả tự do cho nhà báo trên.
 
Những tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh tình hình Iran tiếp tục có những diễn biến căng thẳng, mới đây nhất là vụ đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình hôm 20/6 làm thêm 10 người thiệt mạng. Theo thống kê, đã có ít nhất 17 người chết và hàng chục người bị thương trong các cuộc biểu tình nổ ra kể từ sau khi kết quả bầu cử tổng thống được công bố, với thắng lợi thuộc về Tổng thống đương nhiệm Amadinejad./.
 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục