Dự Luật Giáo dục Đại học bộc lộ nhiều thiếu sót

Dự thảo Luật Giáo dục Đại học vừa được đưa ra tham vấn đã bộc lộ nhiều thiếu sót cần tiếp tục hoàn thiện trước khi ban hành.
Dự thảo Luật Giáo dục Đại học vừa được đưa ra tham vấn ý kiến tại một hội nghị của Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã thu nhận nhiều ý kiến không mấy tích cực.

Mục tiêu hướng đến không rõ ràng, thiếu từ những yếu tố nhỏ như việc giải thích khái niệm đến những vấn đề lớn như quy định về tự chủ đại học, nội dung điều luật chưa cụ thể… là nhận định chung của các ý kiến tại Hội nghị ngày 19/4/2011.

Chỗ nào cũng thiếu!

GS.TS Trần Ngọc Đường, Viện nghiên cứu Lập pháp cũng chỉ ra hàng loạt thiếu sót của Dự thảo Luật, từ đối tượng áp dụng còn bỏ sót, mục tiêu quá chung, quy hoạch mạng lưới chưa rõ đến việc chưa thể hiện được chính sách riêng đối với giáo dục đại học…

“Nhìn tổng thể, hình thức thể hiện của Dự thảo chưa đủ cụ thể để điều chỉnh trực tiếp các quan hệ xã hội trong tổ chức và hoạt động giáo dục đại học,” ông Đường nói.

Nguyên Hiệu trưởng Đại học sư phạm Đinh Quang Báo cho rằng phạm vi điều chỉnh của Luật nên bổ sung đối tượng “các cơ sở liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục đại học” vì đây là đối tượng quan trọng, tuy không thuộc biên chế hành chính của trường đại học nhưng lại là một mắt xích tổ chức các hoạt động đào tạo.

Cũng theo ông Báo, có nhiều từ cần phải bổ sung vào mục “Giải thích từ ngữ” của Luật như “giáo dục đại học”, “giáo dục chính quy”…

Đây cũng là ý kiến của ông Đặng Bá Lâm, nghiên cứu viên cao cấp Viện Khoa học Giáo dục VN. Theo ông Lâm, giải thích từ ngữ là mục cần thiết đối với các văn bản khoa học nhưng trong Luật này, số từ được giải thích quá ít.

Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến lại đề nghị bổ sung nội dung về hợp tác quốc tế. Ông Tiến cho rằng, trong Dự thảo, hoạt động hợp tác quốc tế được trình bày trong mục 3 với 3 điều, định hướng chung của các quy định này thiên về sự khuyến khích trong hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, với rất nhiều rủi ro hiện nay của tiến trình hội nhập, rất cần một định hướng kép, tức là khuyến khích phải đi đôi với tăng cường quản lý, đặc biệt là quản lý về chất lượng.

Nhìn ở một góc độ tổng thể hơn, PGS.TS Trần Thị Tâm Đan, Nguyên Chủ tịch Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội lại nhận định các thiết chế của Dự thảo Luật còn chung chung, cần quy định cụ thể về nội dung, đối tượng để có khả năng áp dụng ngay, nhất là những điều đã được kiểm nghiệm trong thực tế.

Cần đưa tự chủ đại học vào trong Luật

Vấn đề tự chủ đại học trong những năm gần đây luôn được quan tâm đặc biệt Vì thế, tại Hội nghị này, rất nhiều đại biểu đề nghị cần phải bổ sung nội dung này vào Luật Giáo dục Đại học.
 
GS.TS. Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng ĐHDL Hải Phòng cho rằng quy định về tự chủ đại học trong dự thảo luậtchưa đầy đủ, mới chỉ đề cập đến vấn đề tài chính trong khi còn nhiều yếu tố khác như chương trình đào tạo, tuyển sinh, quyết định nhân sự…

Đây cũng là đề xuất của ông Đặng Bá Lâm, nghiên cứu viên cao cấp Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Theo ông Lâm, các trường đại học cần được tự chủ và tự chịu trách nhiệm trên các mặt như điều hành và quản lý nhà trường, thu chi tài chính, chương trình…

Cùng về vấn đề này, PGS.TS Trần Thị Tâm Đan chia sẻ, quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học là một trong những nội dung nổi bật trong quá trình đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, đã được quy định ở các văn bản của Chính phủ và đã mang lại những kết quả rất đáng khích lệ.

Vì vậy, nên hoàn chỉnh và phát triển những nội dung này để luật hóa. Luật cần quy định cụ thể quyền tự chủ về chuyên môn, về tài chính, tổ chức nhân sự, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức, cá nhân trong nhà trường như hội đồng trường, hiệu trưởng, những chế tài đảm bảo cơ chế công khai, sự kiểm soát của quần chúng, chế độ chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục về chất lượng…

Theo ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy băn Văn hóa, Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ được tiếp thu, nghiên cứu để văn bản Luật Giáo dục Đại học được hoàn thiện hơn trước khi ban hành chính thức./.

Phạm Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục