Việc sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm sẽ cho phép các doanh nghiệp tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Từ đó, doanh nghiệp có thể đổi mới mô hình tăng trưởng, do chủ động lựa chọn loại hình, phương thức kinh doanh phù hợp và đa dạng hóa...
Đây cũng là những nội dung chính được đề cập tại dự thảo sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm vừa được Bộ Tài chính đệ trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Đã đến lúc "thay áo mới"
Ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính (đơn vị chủ trì soạn thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm) cho biết Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 được Quốc hội khóa thông qua ngày 9/12/2000 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều vào năm 2010 và năm 2019) là căn cứ, cơ sở pháp lý để xây dựng khung khổ pháp lý vững chắc, minh bạch, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng, đáp ứng nhu cầu tham gia bảo hiểm ngày càng đa dạng của các tổ chức, cá nhân.
Song, theo ông Trung, Luật Kinh doanh bảo hiểm được ban hành cách đây 20 năm, do đó đã bộc lộ một số bất cập so với sự phát triển của thị trường bảo hiểm hiện nay.
Thứ nhất, một số quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành không còn thống nhất, đồng bộ với quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại Bộ Luật Dân sự (do Bộ luật dân sự không còn chương quy định về hợp đồng bảo hiểm).
Thứ hai, Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành quy định nguyên tắc đối với phần lớn các chính sách trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, nên đôi khi thiếu căn cứ hoặc có những khó khăn nhất định khi thực tế phát sinh như: Thẩm quyền, quy trình xử lý doanh nghiệp bảo hiểm gặp khó khăn về tài chính; việc áp dụng hoặc tích hợp công nghệ trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm; các yêu cầu về kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, sự liên kết giữa các cơ quan quản lý trong triển khai các chương trình bảo hiểm của Chính phủ...
Thứ ba, các chính sách đối với doanh nghiệp bảo hiểm quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm chưa theo kịp với thông lệ quốc tế như quy định về phòng chống trục lợi bảo hiểm, rửa tiền, tài trợ khủng bố chưa đầy đủ; điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế, mô hình quản lý tài chính lạc hậu, chưa có yêu cầu bắt buộc về quản trị rủi ro.
[Hoàn tất xem xét nhiều nội dung quan trọng trình QH tại kỳ họp thứ 2]
Từ những tồn tại bất cập nêu trên, ông Trung nhấn mạnh rằng việc ban hành Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu về sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật, phù hợp thực tiễn, các cam kết của Việt Nam và hướng đến chuẩn mực quốc tế về bảo hiểm. Luật Kinh doanh bảo hiểm đảm bảo các mục tiêu thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế-xã hội và thị trường bảo hiểm, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.
Cũng theo ông Trung, việc sửa đổi Luật kinh doanh bảo hiểm sẽ đáp ứng yêu cầu về sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật có liên quan và yêu cầu mới phát sinh trong thực tiễn, khắc phục những bất cập của cơ chế chính sách và sự tồn tại của thị trường.
"Thêm vào đó, trước những yêu cầu thực tiễn, cải cách mạnh mẽ thể chế, vừa đáp ứng yêu cầu hội nhập xu thế của khu vực và thế giới, Luật kinh doanh bảo hiểm mới cần tạo nền tảng để Việt Nam có thể trở thành thị trường bảo hiểm phát triển của khu vực châu Á," ông Trung nói.
Sẽ "cởi trói" cho doanh nghiệp bảo hiểm
Theo ông Trung, dự thảo sửa đổi Luật Kinh doanh Bảo hiểm lần này bám sát 7 nội dung chính với mục tiêu tăng quyền tự chủ hơn cho các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh, các cơ quan quản lý không can thiệp quá sâu về mặt kỹ thuật vào hoạt động của các công ty bảo hiểm như trước đây.
"Vai trò của cơ quan quản lý sẽ ưu tiên quản lý giám sát, thúc đẩy tính minh bạch và sự phát triển lành mạnh của thị trường bảo hiểm, bao gồm nhóm chính sách về hoàn thiện các quy định về mô hình tổ chức, điều kiện thành lập, cụ thể hóa các quy định về cấp và hoạt động, đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm," ông Trung cho hay.
Nhận định về các vấn đề cụ thể nêu trong dự thảo luật, ông Trung cho biết dự thảo lần này hoàn thiện các quy định về mô hình quản lý tài chính đối với các doanh nghiệp, hoàn thiện hợp đồng bảo hiểm, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, minh bạch và an toàn.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật mới đặc biệt khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm chuẩn mực hóa các hoạt động và giao dịch bảo hiểm trên thị trường đồng thời bổ sung, hoàn thiện các quy định về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm; các quy định về bảo đảm an toàn, đề phòng hạn chế tổn thất, phòng ngừa gian lận bảo hiểm, nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp; các quy định về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho phát triển bảo hiểm.
Ông Trung nhấn mạnh việc sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm sẽ cho phép các doanh nghiệp tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Đặc biệt, những quy định mới sẽ giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí từ đơn giản hóa thủ tục hành chính đồng thời chủ động trong hoạt động kinh doanh, từ đó thúc đẩy sự phát triển của thị trường./.