Dư thừa thép đang làm tiêu hao nền kinh tế

Công suất cán thép hiện đã lên tới gần 7 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu tiêu thụ của năm 2009 mới chỉ xấp xỉ 4 triệu tấn thép cán, chưa kể sự có mặt của hàng loạt đại gia với các dự án thép khổng lồ trong tương lai.

Sự dư thừa về công suất của ngành thép đang góp phần làm… tiêu hao nguồn lực hạn hẹp của nền kinh tế. Đó là chưa kể nhu cầu nhập khẩu phôi thép với số lượng khoảng 2 - 2,5 triệu tấn/năm đã làm cho cán cân thương mại của Việt Nam liên tục phải “oằn mình” để gồng gánh một phần thâm hụt ngoại thương do ngành này gây ra.

Dù công suất chỉ 300.000 tấn thép cán/năm được sản xuất từ phôi nhập khẩu với mặt hàng duy nhất là thép xây dựng nhưng từ khi chính thức hoạt động vào tháng 1/1996 tới hết 6 tháng năm 2009, Công ty thép Vinakyoei Việt Nam không biết tới chữ “lỗ” trong bảng tổng kết năm.

Vinakyoei Việt Nam là một trong những dự án thuộc làn sóng đầu tư nước ngoài thứ nhất vào ngành thép diễn ra trong giai đoạn 1994-1997 cùng với một số tên tuổi như VPS, Vinausteel, Natsteel Vina…

Công đoạn ngon ăn nhất

Tại thời điểm đó, không dưới 5 dự án thép có vốn đầu tư nước ngoài đã được triển khai với công đoạn đầu tư là cán thép xây dựng từ phôi nhập khẩu. Đây cũng là công đoạn “ngon ăn” nhất của ngành thép bởi đầu tư ít, nhanh thu hồi vốn, thị trường lại có sẵn, dù có bị lệ thuộc vào giá phôi nhập khẩu trên thị trường thế giới.

Có lẽ bởi những yếu tố này mà các doanh nghiệp cán thép khi đó được coi là “siêu lợi nhuận” và chẳng cần quan tâm tới việc đầu tư vào các khâu trước của dây chuyền sản xuất thép như sản xuất phôi từ thép phế hay từ quặng.

Tuy dự án có tính tới giai đoạn 2 là nâng công suất sản xuất lên trên 500.000 tấn/năm và chuyển sang sản xuất phôi tại chỗ để chủ động nguồn nguyên liệu, nhưng sau gần 13 năm đi vào hoạt động, nhà máy thép Vinakyoei Việt Nam vẫn chỉ cán thép xây dựng từ phôi nhập khẩu. Thực tế này cũng diễn ra ở hầu khắp các dự án thép có vốn đầu tư nước ngoài khác như VPS hay Vinausteel.

Bùng nổ các dự án cỏn con

Khi Việt Nam bắt đầu thực hiện các cam kết giảm thuế của khu vực ASEAN giai đoạn 2001-2006, ngành thép được chính những người trong cuộc tự nhận xét là nhóm ngành có khả năng cạnh tranh yếu nhất.

Công suất của các nhà máy cán thép ở Việt Nam thường chỉ từ 200.000 đến 300.000 tấn/năm, cá biệt có một vài nhà máy đạt công suất 500.000 tấn/năm, trong khi ở một số nước lân cận, công suất của các nhà máy thường từ 500.000 đén 1 triệu tấn/năm.

Nhưng trái với những dự báo, các doanh nghiệp cán thép vẫn sống tốt bởi việc nhập khẩu thép từ các nước ASEAN không hoàn toàn thuận lợi về mặt vận chuyển, trong khi thép nhập từ Trung Quốc do ngoài ASEAN nên vẫn phải chịu thuế cao. Cũng bởi thực tế này mà trong giai đoạn 1999-2002 đã xảy ra tình trạng “bùng nổ đầu tư” các dự án cán thép cỏn con.

Một khảo sát của Bộ Công Nghiệp (nay là Bộ Công Thương) lúc đó cho thấy, đến năm 2002 Việt Nam có khoảng 50 doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng (chỉ tính các cơ sở có công suất lớn hơn 5.000 tấn/năm), trong đó có 12 dây chuyền cán thép có công suất từ 100.000 đến 300.000 tấn/năm.

Công suất cán thép hiện đã lên tới gần 7 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu tiêu thụ của năm 2009 mới chỉ xấp xỉ 4 triệu tấn thép cán, chưa kể sự có mặt của hàng loạt đại gia với các dự án thép khổng lồ trong tương lai.

Sự dư thừa về công suất của ngành thép đang góp phần làm… tiêu hao nguồn lực hạn hẹp của nền kinh tế. Đó là chưa kể nhu cầu nhập khẩu phôi thép với số lượng khoảng 2 - 2,5 triệu tấn/năm đã làm cho cán cân thương mại của Việt Nam liên tục phải “oằn mình” để gồng gánh một phần thâm hụt ngoại thương do ngành này gây ra.

Nếu tính bình quân mỗi tấn phôi thép là 400 USD thì lượng ngoại tệ bỏ ra để nhập khẩu phôi thép hàng năm không hề nhỏ. Theo số liệu của hải quan, chỉ tính riêng từ đầu năm đến ngày 15/8, kim ngạch nhập khẩu thép, trong đó bao gồm trên 1,5 triệu tấn phôi thép, đã lên tới 3,5 tỷ USD.

Trông người lại ngẫm đến ta

Trái ngược xu thế phát triển ồ ạt các “dự án cỏn con” ở Việt Nam, Trung Quốc - siêu cường quốc về sản xuất thép - đã có những thay đổi đáng kể.

Theo ông Đậu Văn Hùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam, ba vấn đề chính được quan tâm của ngành thép Trung Quốc từ năm 2007 đến nay là tập trung hóa quy mô sản xuất; tiết giảm sản xuất ở các nhà máy và sản phẩm tiêu hao nhiều nhiên liệu, có mức phát thải cao và sản xuất đủ để đáp ứng cho nhu cầu trong nước chứ không xuất khẩu.

Với chính sách này, Trung Quốc đang tập trung xây dựng 10 tập đoàn sản xuất có quy mô sản xuất vào năm 2010 chiếm khoảng 50% tổng lượng thép của cả nước từ hàng trăm, hàng ngàn nhà máy hiện có.

Tuy nhiên, để được những tập đoàn thép có quy mô lớn hoạt động hiệu quả mà vẫn quan tâm đúng mức tới vấn đề môi trường cũng như sử dụng hợp lý tài nguyên như cách mà ngành thép Trung Quốc đang thực thi chắc không đơn giản.

Trong khi đó, ở Việt Nam, quy hoạch ngành thép tuy có nhưng lại chẳng được các địa phương, các doanh nghiệp thực thi, còn cơ quan chức năng thì… vẫn chưa có một biện pháp nào để quy hoạch đảm bảo rằng được thực hiện một cách nghiêm túc và hiệu quả./.

 Bài viết này được đăng tải theo thỏa thuận bằng văn bản giữa Tạp chí Doanh nhân thuộc VCCI và Vietnam+
(Doanh nhân/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục