Đức-Brazil hối thúc LHQ cứng rắn trong vấn đề do thám

Đức và Brazil, hai quốc gia từng là mục tiêu do thám của Mỹ, kêu gọi Liên hợp quốc hành động cứng rắn trong vấn đề tình báo mạng.
Đức-Brazil hối thúc LHQ cứng rắn trong vấn đề do thám ảnh 1Thủ tướng Đức Angela Merkel bị nghe lén điện thoại. (Nguồn: Vietnam+)

Ngày 7/11, Đức và Brazil, hai quốc gia từng là mục tiêu do thám của Mỹ, đã kêu gọi Liên hợp quốc hành động cứng rắn nhằm hạn chế hoạt động tình báo mạng trong bối cảnh vụ bê bối nghe lén của chính quyền Washington ngày càng lan rộng, ảnh hưởng đến quan hệ với các quốc gia đồng minh.

Trước đó, hai nước này đã trình lên Liên hợp quốc dự thảo nghị quyết kiểm soát do thám tình báo.

Phát biểu tại một ủy ban nhân quyền của Đại Hội đồng Liên hợp quốc, Đại sứ Đức tại Liên hợp quốc Peter Witting đã đề cập đến những nghi vấn về bảo vệ quyền riêng tư trong thế giới kỹ thuật số, quan ngại về ranh giới pháp lý giữa quyền riêng tư và do thám để đảm bảo an ninh quốc gia.

Dẫn dự thảo nghị quyết nói trên, ông Witting đã chỉ ra tình trạng đáng báo động về hoạt động giám sát khổng lồ của các công ty thông tin tư nhân và việc thu thập dự liệu cá nhân trên toàn cầu.

Trong khi đó, Đại sứ Brazil tại Liên hợp quốc Antonio Patriota tái khẳng định lời cáo buộc của tổng thống nước này về sự vi phạm quyền riêng tư nghiêm trọng bắt nguồn từ những hoạt động theo dõi khổng lồ nói trên.

Ông Patriota cộng đồng quốc tế cần nghiêm túc thảo luận về các phương thức bảo vệ các quyền con người trong kỷ nguyên số này.

Cuối tuần trước, Đức và Brazil đã trình dự thảo nghị quyết về kiểm soát giám sát tình báo, trong đó kêu gọi chính phủ của 193 nước thành viên Liên hợp quốc cần có những biện pháp hiệu quả nhằm chấm dứt hành động vi phạm các quyền nói trên đi đôi với thiết lập các cơ chế giám sát quốc gia độc lập.

Cũng nằm trong nội dung của nghị quyết trên, Brazil và Đức còn đề cập đến việc thiết lập các cơ chế giám sát độc lập cấp nhà nước, với nhiệm vụ đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan giám sát thông tin cấp nhà nước cũng như việc thu thập hay nghe lén dữ liệu cá nhân của cơ sở này.

Dự kiến, văn kiện không mang tính bắt buộc trên sẽ được bỏ phiếu thông qua tại Liên hợp quốc vào tháng 11 này. Cho đến này đã có một số quốc gia ủng hộ dự thảo nghị quyết trên, trong đó có Áo, Pháp, Bolivia, Uruguay, Liechtenstein, Peru và Triều Tiên.

Trong một diễn biến liên quan, trước những phản ứng mạnh mẽ của nhiều nước về chương trình do thám của Mỹ, Tổng thống Barack Obama cùng ngày tuyên bố ông chưa từng can thiệp hoặc điều tra nhằm tìm ra nguồn gốc các tin tức tình báo của Mỹ về các nước đồng minh chủ chốt như Đức.

Đây là phản hồi cụ thể nhất về các thông tin cho rằng Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) nghe lén điện thoại di động của Thủ tướng Đức Angela Merkel./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục