'Đức cần phải làm nhiều hơn, giữ vai trò toàn cầu lớn hơn'

Trong nhiệm kỳ 13 năm của bà Merkel, Đức là một lực lượng có trách nhiệm và mang lại ổn định trên trường quốc tế. Tuy nhiên, với vai trò là nền kinh tế hàng đầu châu Âu, Đức cần phải làm nhiều hơn.
'Đức cần phải làm nhiều hơn, giữ vai trò toàn cầu lớn hơn' ảnh 1Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Nguồn: THX/TTXVN)

Trong bài viết có tựa đề “Đức cần giữ vai trò toàn cầu phù hợp với quy mô của mình,” hãng tin Bloomberg (Mỹ) cho rằng nước này nên nhận trách nhiệm toàn cầu tương xứng hơn với sức mạnh kinh tế hiện có và việc nâng cấp quân đội Đức mới là sự khởi đầu.

Khi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố trong một bài phát biểu đánh dấu kỷ niệm 70 năm ngày Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ra đời rằng quá nhiều thành viên của tổ chức này không chịu tăng mức chi tiêu dành cho quốc phòng, ông Pence đã nêu ra một cái tên.

Theo ông, “Đức phải làm nhiều hơn nữa bởi đơn giản là thật khó chấp nhận khi nền kinh tế lớn nhất châu Âu lại bỏ bê nhiệm vụ quốc phòng của mình, không tương xứng với mức độ quốc phòng chung của chúng ta.”

[Dự án vũ khí châu Âu mới thách thức Đức và Pháp]

Tuyên bố này không hề bất ngờ bởi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn có thói quen giễu cợt các đồng minh châu Âu của Mỹ, rằng đó là những “tay đua tự do.”

Tất nhiên, những nhận xét này là hơi quá mức song cũng không hoàn toàn sai.

Thay vì tức giận, các nhà lãnh đạo Đức nên chấp nhận thách thức và thực hiện trách nhiệm toàn cầu tương xứng với sức mạnh của nền kinh tế. Điều này sẽ tốt cho Đức và châu Âu.

Nâng cấp lực lượng vũ trang là bước đầu tiên. Sau nhiều năm bị bỏ bê, quân đội Đức rơi vào tình trạng ảm đạm.

Hơn một nửa số xe tăng, máy bay trực thăng và máy bay chiến đấu của Đức bị đánh giá là không phù hợp để triển khai.

Toàn bộ 6 tàu ngầm đều quá lỗi thời để có thể rời cảng.

Quân đội thường trực, với khoảng 500.000 quân vào cuối giai đoạn Chiến tranh Lạnh, hiện chỉ còn 180.000 quân.

Đức thuộc nhóm có tỷ lệ quân số thấp nhất trong NATO, tính theo bình quân đầu người.

Chính phủ của Thủ tướng Đức Angela Merkel - người dự định nghỉ hưu vào năm 2021- đã nỗ lực làm thay đổi sự nhạy cảm của Đức, do lịch sử để lại, trong các vấn đề can thiệp quân sự ở nước ngoài.

Quân đội Đức đang hoạt động ở Afghanistan và Mali, dẫn đầu một tiểu đoàn NATO được triển khai tới Litva để răn đe Nga.

Đức sẽ chi 43 tỷ euro cho quốc phòng trong năm 2019, nhiều hơn 26% so với một thập kỷ trước. Mức này chỉ tương đương với 1,3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức - thấp hơn rất nhiều so với mức 2% mà các thành viên NATO đã thống nhất năm 2014, một vấn đề mà ông Trump thường xuyên sử dụng để chỉ trích Berlin.

Thủ tướng Merkel đã cam kết đến năm 2024, Đức sẽ chi 1,5% GDP cho ngân sách quốc phòng nhưng gặp phải sự phản đối của đối tác trong liên minh cầm quyền hiện nay - đảng Dân chủ Xã hội (SPD). Dư luận cũng không thuận lợi.

Ngày càng nhiều người cho rằng Đức cần tích cực hơn trong các cuộc khủng hoảng quốc tế nhưng chỉ 32% người Đức ủng hộ tăng chi tiêu quốc phòng.

Mặt khác, bà Merkel và Bộ trưởng Quốc phòng Ursula von der Leyen cũng cần đặt mục tiêu thu lại nhiều hơn từ những gì đã chi.

Họ cần cải tổ hệ thống mua sắm không hiệu quả của quân đội, nguyên nhân của tình trạng chậm trễ kinh niên và chi phí vượt mức.

Hợp tác chặt chẽ hơn với quân đội các nước châu Âu khác cũng có thể giúp loại bỏ các hệ thống vũ khí dư thừa và giảm chi phí huấn luyện.

Các khoản đầu tư cần thiết vào cơ sở hạ tầng như cải thiện mạng lưới băng thông rộng nổi tiếng chắp vá của Đức sẽ mang lại lợi ích cho cả quân đội cũng như người dân.

Quyền lực "mềm" cũng là vấn đề cần phải cải thiện. Đức cần tăng cường đội ngũ làm công tác ngoại giao bởi số lượng hiện nay ít hơn 1.000 người so với năm 1990.

Trong số các nước OECD, Đức là nhà cung cấp viện trợ lớn thứ hai tính theo giá trị thực nhưng có tỷ lệ chi tiêu cho viện trợ trên thu nhập quốc gia thấp hơn Anh, Đan Mạch, Na Uy, Luxembourg và Thụy Điển.

Với quy mô và nguồn lực của mình, Đức có thể đi đầu trong việc thúc đẩy phát triển, quản trị tốt và đầu tư tư nhân ở châu Phi - điều này sẽ giúp chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trên lục địa và giúp ngăn chặn khủng hoảng di cư ở châu Âu trong tương lai.

Thách thức lớn nhất đối với Đức là thúc đẩy sự gắn kết và bản sắc dân chủ của châu Âu.

Berlin nên thúc đẩy các đề xuất để ràng buộc các quỹ của EU với sự tuân thủ của các chính phủ thành viên đối với thượng tôn pháp luật cũng như thiết lập một quỹ của EU cho các tổ chức xã hội dân sự bảo vệ các giá trị tự do.

Đức cần chống lại các nỗ lực của Nga để làm suy yếu đoàn kết trong châu Âu, bao gồm việc cân nhắc sự phản đối của các đồng minh đối với dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord-Stream 2) chuyên chở khí đốt từ Nga tới Đức.

Trong nhiệm kỳ 13 năm của bà Merkel, Đức là một lực lượng có trách nhiệm và mang lại ổn định trên trường quốc tế - một vai trò còn quan trọng hơn nữa trong thời đại của ông Trump.

Tuy nhiên, Đức có thể và cần làm nhiều hơn. Bà Merkel cần để lại cho người kế vị một tầm nhìn phù hợp và tham vọng hơn về những gì sẽ xảy ra.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục