Báo Le Monde đã đăng bài viết có tựa đề “Đức: Sự kết thúc của kỷ nguyên Merkel báo hiệu một chính sách tài chính thực dụng hơn;” trong đó cho biết Liên minh 3 đảng gồm Đảng Dân chủ Xã hội (SPD), Đảng Dân chủ Tự do (FDP) và Đảng Xanh đang đàm phán về chính sách kinh tế áp dụng cho chính phủ mới tại Đức.
Một nỗ lực được gọi là “lịch sử” về đầu tư dường như đang đạt được sự đồng thuận trong “liên minh đèn giao thông” sẽ cầm quyền 4 năm tới đây, và sự kết thúc của kỷ nguyên Merkel có thể báo hiệu một chính sách tài chính thực dụng hơn đối với cả Đức và châu Âu.
Dưới đây là nội dung chi tiết của bài viết:
Thời gian này thật khó khăn đối với những người bảo thủ Đức. Trong vài tuần, họ lần lượt mất tất cả các chức vụ được coi là biểu tượng cho sự thống trị đối với các thể chế chính trị của đất nước trong 16 năm qua. Kể từ ngày 26/10 vừa qua, Thủ tướng Angela Merkel thuộc Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) đã trở lại phụ trách các công việc kinh doanh thông thường. Người thay bà lãnh đạo đất nước sẽ là Olaf Scholz, thuộc SPD, có thể được bổ nhiệm vào ngày 6/12 vừa qua.
Wolfgang Schäuble, người được coi là hiện thân của kỷ luật ngân sách hơn bất kỳ người nào khác trong thời gian giữ chức Bộ trưởng Tài chính giai đoạn 2009-2017, đã nhường lại vị trí cho Bärbel Bas (SPD) trong Quốc hội Liên bang (Bundestag) và trở về vị trí của một thành viên đối lập.
[Dấu ấn của 'người phụ nữ quyền lực' Angela Merkel trong 16 năm]
Và cuối cùng, ngày 20/10 vừa qua, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) Jens Weidmann đã tuyên bố sẽ từ chức vào cuối năm 2021 sau một thập kỷ phục vụ và trước thời điểm kết thúc nhiệm kỳ 6 năm.
Trong 3 vị trí bị mất này, thì vị trí cuối cùng là điều đặc biệt đau đớn đối với những người bảo thủ. Vị trí chủ tịch Bundesbank, mà việc bổ nhiệm không có trong chương trình nghị sự bầu cử, là hiện thân của sự ổn định kinh tế và tiền tệ.
Theo truyền thống “tự do trong khuôn khổ,” một chuẩn mực tư tưởng cuối cùng của phe bảo thủ trong các vấn đề kinh tế, một ngân hàng trung ương phải độc lập với quyền lực chính trị, ít can thiệp và trên hết là đảm bảo ổn định giá cả.
Quan niệm được Jens Weidmann trong Hội đồng các thống đốc ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) hết sức bảo vệ này đã mang tới cho ông biệt danh là "Mr. No" (Người luôn nói Không), vì ông luôn phản đối các chương trình mua lại nợ do cựu Chủ tịch ECB Mario Draghi khởi xướng.
Jens Weidmann, một nhân vật rất thân cận với Angela Merkel, được những người bảo thủ Đức coi là bức tường thành cuối cùng chống lại chính sách tiền tệ của châu Âu vốn được xem là quá dễ dãi, có nguy cơ dẫn đến nới lỏng tài khóa và làm mất giá tiền tệ. Sự gia tăng lạm phát hiện nay đang nhen nhóm lại mối lo ngại này.
Ai sẽ là người kế nhiệm Jens Weidmann? Câu hỏi này càng trở nên nhạy cảm hơn khi nó được đặt ra giữa một trong những giai đoạn chuyển tiếp quan trọng nhất trong lịch sử gần đây ở Đức. Lần đầu tiên một liên minh 3 bên, trong đó không có những người bảo thủ, sẽ lãnh đạo nước Đức. Liên minh “đỏ-vàng-xanh” này đang tích cực đàm phán về các chi tiết trong chính sách kinh tế của mình cho dù cách tiếp cận của mỗi bên rất khác nhau.
FDP bảo vệ các quan điểm tự do trong khuôn khổ, tiếp tục cam kết tuân thủ các quy tắc của Đức và châu Âu về quản lý nợ, mặc dù ít nghiêm ngặt hơn so với CDU.
Về phần mình, Đảng Xanh bảo vệ một quan niệm mang tính cải cách hơn, với ý tưởng rằng sự lành mạnh của tài chính công không chỉ được xác định bởi tỷ lệ nợ của nhà nước, mà bởi khả năng tạo ra tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, các đối tác liên minh không chỉ phải nhất trí về người kế nhiệm Jens Weidmann, mà còn cả về chức vụ Bộ trưởng Tài chính, người sẽ tạo "sắc màu" cho chính phủ mới trong các vấn đề kinh tế vĩ mô.
Có 2 yếu tố ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán mang tính quyết định này. Trên khắp nước Đức, các cuộc tranh luận học thuật đã có nhiều thay đổi trong những năm gần đây. Các nhà tư tưởng kinh tế mới có tầm nhìn khác những người thuộc thế hệ cũ và chuyển sang chủ nghĩa thực dụng hơn. Nỗi lo về nợ không còn là la bàn tuyệt đối như những năm 2010.
Có ý kiến cho rằng nếu lãi suất áp dụng cho một quốc gia thấp hơn tốc độ tăng trưởng của quốc gia đó việc vay để đầu tư là điều khôn ngoan, nhất là trong bối cảnh một nước Đức già cỗi phải đầu tư vào năng lực sản xuất nếu muốn duy trì sức cạnh tranh và giảm phát thải carbon nhanh chóng.
Ở cấp độ châu Âu, tạo dựng một sự đồng thuận mới cũng đồng nghĩa với việc sự vững chắc của khu vực đồng euro phải thể hiện một sự đoàn kết hơn. Trong khi cuộc tranh luận diễn ra cởi mở hơn nhiều so với trước đây, những người ủng hộ chủ nghĩa tự do trong khuôn khổ vẫn tiếp tục có ảnh hưởng. Không có chuyện mở tràn tín dụng mà không có hạn chế.
Thêm vào đó là sự theo dõi sát sao của các nhà quan sát quốc tế đối với các vấn đề nội bộ của Đức, một cường quốc kinh tế trụ cột ở châu Âu. Ngày 28/10 vừa qua, nhà kinh tế học người Mỹ Joseph Stiglitz, người đoạt Giải Nobel Kinh tế năm 2001 và nhà sử học người Anh Adam Tooze, giáo sư tại Đại học Columbia ở New York, đã có bài viết gây ngạc nhiên trên tuần báo Die Zeit, trong đó cảnh báo chính phủ tương lai không nên bổ nhiệm lãnh đạo FDP Christian Lindner vào Bộ Tài chính.
Lưu ý của 2 chuyên gia rõ ràng thể hiện sự lo lắng cho tương lai của châu Âu: “Vấn đề không chỉ do chính sách kinh tế của Lindner là sự tích tụ của những khuôn sáo bảo thủ, mà còn là những lời sáo rỗng của một thời kỳ đã qua, đó là những năm 1990.”
Ngày 3/11 vừa qua, trên cùng một tờ báo, nhà kinh tế học Clemens Fuest, Chủ tịch Viện Ifo Munich, và nhà sử học Harold James, giáo sư tại Princeton (New Jersey) đã bày tỏ quan điểm rằng "trong một thế giới mà sự ủng hộ về chính trị đối với các quy tắc tài chính mềm dẻo đang chiếm ưu thế, thì một Bộ trưởng Tài chính Đức ‘diều hâu’ có thể đóng một vai trò hữu ích và cân bằng.”
Tại Berlin, kết quả của các cuộc đàm phán về những vấn đề này vẫn còn bỏ ngỏ. Nhưng liên minh "đèn giao thông" tương lai, vốn mong muốn "một khởi đầu mới" cho đất nước và một nỗ lực đầu tư mang tính lịch sử, hiểu rất rõ rằng ổn định và đồng thuận là những thành phần thiết yếu của văn hóa chính trị Đức./.