Đức công bố nguyên nhân chiếc trực thăng quân sự rơi ở Mali

nguyên nhân khiến chiếc trực thăng quân sự của quân đội Đức rơi ở vùng Gao, miền Bắc Mali hồi tháng 7/2017 là do việc lập trình không chính xác trên thiết bị lái tự động.
Đức công bố nguyên nhân chiếc trực thăng quân sự rơi ở Mali ảnh 1Trực thăng chiến đấu Tiger do phi công Đức vận hành tham gia chiến dịch của phái bộ MINUSMA ở Gao. (Nguồn: EPA/ TTXVN)

Trang báo điện tử Spiegel (Tấm gương) của Đức ngày 27/2 đưa tin, nguyên nhân khiến chiếc trực thăng quân sự của quân đội nước này rơi ở vùng Gao, miền Bắc Mali hồi tháng 7/2017 là do việc lập trình không chính xác trên thiết bị lái tự động.

Hiện Bộ Quốc phòng Đức cũng đã thông báo cho Ủy ban quốc phòng của Quốc hội về những phát hiện mới này.

Theo trang báo điện tử Spiegel, thiết bị lái tự động có vai trò kiểm soát việc hạ cánh và cất cánh của máy bay.

[Trực thăng quân sự của Đức rơi ở Mali không bị tấn công]

Tuy nhiên đến nay vẫn chưa rõ ai đã lập trình phần mềm trên thiết bị lái tự động của chiếc trực thăng gặp nạn và phần mềm này cũng không được tìm thấy trên bất kỳ chiếc trực thăng cùng loại nào mà quân đội Đức sử dụng.

Báo cáo của Bộ Quốc phòng Đức nêu rõ thiết bị lái tự động đã làm chiếc trực thăng hạ độ cao đột ngột, khiến các phi công không có cơ hội để đưa chiếc trực thăng này lấy lại độ cao.

Trước đó, ngày 26/7/2017, một chiếc trực thăng tấn công Tiger của quân đội Đức phối hợp với Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc​ tại Mali đã bị rơi ở vùng Gao, miền Bắc Mali khiến 2 binh sỹ Đức trên máy bay thiệt mạng.

Theo điều tra ban đầu, Phó Tư lệnh các lực lượng vũ trang Đức khẳng định không có bằng chứng nào cho thấy vào thời điểm chiếc trực thăng này rơi có sự tác động hay dấu hiệu tấn công nào từ bên ngoài.

Miền Bắc Mali bị đặt dưới sự kiểm soát của một nhánh Hồi giáo thánh chiến thuộc tổ chức khủng bố Al-Qaeda từ năm 2012.

Cho tới nay, Liên hợp quốc đã triển khai 12.000 binh sỹ trong Phái bộ gìn giữ hòa bình và Pháp đang duy trì hơn 4.000 quân để thực hiện chiến dịch chống khủng bố, với tên gọi Barkhane tại khu vực.

Tuy nhiên, các phần tử Hồi giáo cực đoan vẫn liên tục tiến hành nhiều cuộc tấn công đẫm máu tại miền Bắc Mali./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục