Liên minh cầm quyền tại Đức đang vấp phải những mâu thuẫn trong hướng giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn hiện nay.
Trong khi liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) ủng hộ lập các vùng trung chuyển để tiếp nhận, sàng lọc người tị nạn thì đảng Dân chủ Xã hội (SPD) lại phản đối ý tưởng này.
Chính phủ của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đưa ra ý tưởng thiết lập các vùng trung chuyển ở biên giới để tiếp nhận người tị nạn vào Đức, từ đây người tị nạn sẽ được sàng lọc, xét hồ sơ tị nạn.
Các trường hợp được chấp nhận tị nạn đến từ các khu vực thảm họa (chủ yếu do chiến tranh) sẽ được ưu tiên để phân bổ tới các bang, trong khi các trường hợp đến từ những nước được coi là an toàn (tị nạn vì mục đích kinh tế) sẽ không được vào Đức.
Chủ tịch đảng CSU Horst Seehoferr đã lập tức ủng hộ ý tưởng này, đồng thời hoan nghênh kế hoạch cắt giảm trợ cấp cho người tị nạn được Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schauble, thuộc đảng CDU, đưa ra. Tuy nhiên, Chủ tịch SPD Sigmar Gabriel đã phản đối việc thiết lập các khu vực trung chuyển như vậy.
Theo Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Gabriel, ông muốn triển khai những biện pháp sáng suốt thay vì những ý tưởng chỉ để lấy lòng CSU như vậy của Thủ tướng Merkel và theo ông, ý tưởng đó chỉ nên thảo luận nội bộ.
Ngoài ra, việc thiết lập các khu vực trung chuyển như vậy không khác gì các "khu tạm giam," điều sẽ khó có thể vượt qua được những rào cản về quyền tị nạn theo Điều 16a của Hiến pháp Đức.
Chính sách giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn của Thủ tướng Merkel đã khiến uy tín của bà cũng như của liên đảng bảo thủ CDU/CSU ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo báo Tấm gương, có tới 1/5 số nghị sỹ CDU/CSU không đồng tình với cách giải quyết của nhà lãnh đạo Đức hiện nay. Trong khi đó, uy tín của liên đảng bảo thủ cũng đã giảm tới mức thấp nhất kể từ cuộc tổng tuyển cử năm 2013 với 41,5% số phiếu ủng hộ xuống 38% nếu nước Đức tiến hành bầu cử vào thời điểm hiện nay.
Theo kết quả cuộc thăm dò của Viện điều tra dư luận YouGov, có tới 56% số người Đức được hỏi cho rằng số người tị nạn tới Đức hiện ở mức quá cao và chỉ có 19% số người ủng hộ tiếp tục tiếp nhận người tị nạn. Kết quả này cho thấy tinh thần sẵn sàng tiếp nhận người tị nạn của người dân Đức đã sụt giảm so với hồi giữa tháng Chín (28%).
Trong bối cảnh nhiệm kỳ Quốc hội đã đi quá nửa chặng đường và các đảng đang rục rịch chuẩn bị cương lĩnh tranh cử cho cuộc tổng tuyển cử vào năm 2017, cuộc khủng hoảng di cư hiện nay dự kiến sẽ là vấn đề lớn chi phối cuộc bầu cử tới. Đây sẽ vừa là cơ hội, vừa là mục tiêu tấn công của các đảng nhằm giành ảnh hưởng của cử tri./.