Đức: Ngành công nghiệp bộc lộ nhiều dấu hiệu giảm tốc rõ rệt

Bộ Kinh tế và Hành động Khí hậu Đức nhận định triển vọng không mấy khả quan trong những tháng còn lại của năm 2022 cũng được phản ánh qua môi trường kinh doanh ảm đạm.
Đức: Ngành công nghiệp bộc lộ nhiều dấu hiệu giảm tốc rõ rệt ảnh 1Công nhân lắp ráp ôtô tại một nhà máy của hãng Volkswagen ở Chattanooga, Đức. (Ảnh: AP/TTXVN)

Trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng năng lượng chưa có dấu hiệu thuyên giảm, nền kinh tế Đức càng bộc lộ những dấu hiệu giảm tốc rõ ràng.

Bộ Kinh tế và Hành động Khí hậu Đức dẫn số liệu của Văn phòng Thống kê Liên bang (Destatis) cho biết như vậy khi đề cập đến hoạt động công nghiệp của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Destatis đã công bố hoạt động kinh tế của Đức trong tháng 8/2022 giảm 2,4% so với tháng trước đó.

Chỉ trong tháng 8, số đơn đặt hàng đã giảm 3,4% so với tháng trước, trong khi đơn hàng ở nước ngoài giảm 1,7%.

Bộ trên nêu rõ triển vọng không mấy khả quan trong những tháng còn lại của năm cũng được phản ánh qua môi trường kinh doanh ảm đạm và dự báo xuất khẩu cũng giảm sút mạnh.

Tuy nhiên, bộ trên cho rằng các ngành công nghiệp cơ khí và ôtô lớn của Đức vẫn ghi nhận mức tăng trưởng trong số đơn đặt hàng của tháng 8, với lần lượt là 4,7% và 3,8%.

Phát ngôn viên của Hiệp hội Công nghiệp Ôtô Đức (VDA) cho rằng sự gia tăng số đơn đặt hàng là kết quả hiệu ứng sau khi xảy ra tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng.

[Giới chuyên gia: Kinh tế Đức không tránh được suy thoái trong năm 2023]

Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào và chất trung gian, cũng như sự không chắc chắn chung do tác động từ cuộc xung đột Nga-Ukraine, tiếp tục tác động mạnh đến sự phát triển của thị trường và sản xuất.

Bên cạnh ngành công nghiệp xe hơi của Đức, các nhà sản xuất máy móc và thiết bị cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tình trạng thiếu hụt nguồn cung.

Theo Viện nghiên cứu kinh tế (Ifo), 3 trong số 4 công ty trong cả hai lĩnh vực đều báo cáo tình trạng tắc nghẽn nguồn cung vào tháng trước.

Kinh tế Đức đã rơi vào tình trạng trì trệ trong quý 2/2022. Với tác động từ cuộc xung đột ở Ukraine, giá năng lượng tăng vọt, đại dịch COVID-19 chưa kết thúc và nguồn cung gián đoạn, Đức đang đứng bên bờ vực suy thoái với lạm phát lên tới 8,5%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục