Đức: Nghiệp đoàn Verdi kêu gọi nhân viên Lufthansa tiếp tục đình công

Verdi cho biết nghiệp đoàn kêu gọi đình công sau khi yêu cầu tăng lương cho nhân viên Lufthansa vẫn không được hãng đáp ứng sau các cuộc thương lượng tập thể với công đoàn.

Máy bay của Hãng hàng không Lufthansa tại sân bay Frankfurt ở Frankfurt am Main, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Máy bay của Hãng hàng không Lufthansa tại sân bay Frankfurt ở Frankfurt am Main, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nghiệp đoàn Verdi của Đức ngày 27/2 kêu gọi nhân viên hãng hàng không quốc gia Lufthansa tiến hành đình công 3 ngày trên phạm vi toàn quốc, từ ngày 28/2 đến ngày 1/3.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, lời kêu gọi được đưa ra đối với nhân viên tại các công ty con của Lufthansa, bao gồm Lufthansa Technik, Lufthansa Aviation Training và Lufthansa Digital Training.

Verdi đại diện cho người lao động trong lĩnh vực vận tải công cộng ở Đức. Verdi cho biết nghiệp đoàn kêu gọi đình công sau khi yêu cầu tăng lương cho nhân viên Lufthansa vẫn không được hãng đáp ứng sau các cuộc thương lượng tập thể với công đoàn.

Trong những ngày qua, công đoàn lớn nhất của các ngành dịch vụ ở Đức này đã liên tục kêu gọi nhân viên mặt đất của Lufthansa đình công.

Đây là động thái leo thang mới nhất trong cuộc tranh cãi về tiền lương đã ảnh hưởng tiêu cực đến ngành hàng không của nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU) trong năm nay.

Verdi yêu cầu tăng lương 12,5% cho 25.000 nhân viên mặt đất, hoặc ít nhất thêm 500 euro (544,30 USD) mỗi tháng trong thời gian 12 tháng, cộng với khoản thanh toán một lần 3.000 euro/người để bù đắp lạm phát.

Lufthansa đề nghị chỉ tăng lương 10%, song 96% nhân viên từ chối đề nghị này, cho rằng mức lương không phù hợp với lạm phát ở Đức và không công bằng so với mức tăng lương được đề nghị đối với phi công.

Đỉnh điểm của làn sóng đình công là ngày 1/2, với hơn 1.000 chuyến bay bị hủy tại 11 sân bay lớn, ảnh hưởng đến hơn 200.000 hành khách. Tiếp đó, cuộc đình công hôm 7/2 cũng khiến 900 chuyến bay bị hủy.

Nền kinh tế Đức đứng trước nguy cơ tiếp tục suy giảm và chính phủ nước này ngày 22/2 phải hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024.

Những nguyên nhân như nhu cầu toàn cầu yếu, bất ổn địa chính trị và tình trạng lạm phát "thâm niên" đã cản trở sự phục hồi trở lại sau một thời gian kinh tế suy giảm.

Bên cạnh đó, hoạt động biểu tình kéo dài và liên tục trong nhiều ngành cũng là một trong những yếu tố tác động đến hoạt động kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục