Đức: Nông dân phong tỏa Berlin, phản đối chính sách nông nghiêp

Từ rạng sáng, khoảng 1.800 máy kéo từ bang Brandenburg đã bắt đầu tiến về thủ đô Berlin, trong khi nhiều máy kéo khác xuất phát từ các khu vực xa hơn.
Tổng cộng có 5.000 máy kéo và 10.000 nông dân đã tham gia vào cuộc tuần hành. (Nguồn: DPA)
Tổng cộng có 5.000 máy kéo và 10.000 nông dân đã tham gia vào cuộc tuần hành. (Nguồn: DPA)

Ngày 26/11, hàng nghìn nông dân từ vùng nông thôn đã đổ về thủ đô Berlin, dùng máy kéo phong tỏa giao thông thành phố nhằm phản đối các chính sách nông nghiệp mới của Chính phủ Đức.

Từ rạng sáng, khoảng 1.800 máy kéo từ bang Brandenburg đã bắt đầu tiến về thủ đô Berlin, trong khi nhiều máy kéo khác xuất phát từ các khu vực xa hơn. Tổng cộng có 5.000 máy kéo và 10.000 nông dân đã tham gia vào cuộc tuần hành.

Đoàn xe di chuyển chậm trên đường và tập trung tại Cổng Brandenburg, trung tâm thủ đô Berlin, gây cản trở giao thông trên diện rộng.

Cảnh sát bang Brandenburg đã ghi nhận 2 vụ tai nạn khi các xe ô tô tìm cách vượt qua làn máy kéo trên đường vào thành phố.

[Đức hỗ trợ 340 triệu euro cho nông dân bị ảnh hưởng bởi hạn hán]

Những người nông dân cho rằng các hạn chế mới về môi trường quá khắt khe và khiến nông nghiệp trong nước không thể cạnh tranh được với hàng nhập khẩu.

Đức: Nông dân phong tỏa Berlin, phản đối chính sách nông nghiêp ảnh 1(Nguồn: DPA)

Những người đứng đầu nhóm tuần hành cho rằng Chính phủ Đức cần làm việc với họ và các nhóm bảo tồn để tìm ra cách thức bảo vệ môi trường, trong khi vẫn duy trì được năng lực cạnh tranh của các nông trại.

Tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đưa ra quyết định về một loạt đề xuất, trong đó bao gồm những hạn chế khắt khe hơn về việc sử dụng thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ để bảo vệ côn trùng, cũng như hạn chế việc dùng phân bón để bảo vệ nước ngầm.

Phát biểu với báo giới tại thủ đô Berlin, Bộ trưởng Môi trường Đức Svenja Schulze nhấn mạnh chính phủ sẵn sàng đối thoại với nông dân, song cho rằng người dân cũng cần có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường.

Bà Schulze nêu rõ hàm lượng phân bón quá cao trong nước uống và sự suy giảm mạnh về số lượng côn trùng là những vấn đề mà người nông dân nên quan tâm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục