Cách giải quyết nợ công

Đức, Pháp sẽ có cách giải quyết nợ công Eurozone

Đức và Pháp sẽ hỗ trợ ngân hàng bị ảnh hưởng và tới cuối tháng 10 sẽ đưa ra gói cứu trợ cùng với một tầm nhìn mới cho châu Âu.
Tuyên bố tại một cuộc họp báo chung ở Berlin, Đức cuối ngày 9/10, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cam kết sẽ sớm đưa ra những biện pháp khẩn cấp để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ trong Khu vực đồng euro (Eurozone).

Hai nhà lãnh đạo cấp cao Pháp và Đức đã đưa ra tuyên bố này sau cuộc hội đàm nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng tài chính và nợ công đang có nguy cơ lây lan trong khu vực. Hai bên thông báo từ nay tới cuối tháng 10/2011, Đức và Pháp sẽ đưa ra một đề nghị tổng thể nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nợ của Eurozone.

[Đức có đủ sức lèo lái Eurozone vượt khủng hoảng?]

Thủ tướng Angela Merkel và Tổng thống Nicolas Sarkozy không công bố chi tiết, nhưng cho biết, trong cuộc đấu tranh chống cuộc khủng hoảng tài chính, Đức và Pháp sẽ hỗ trợ những ngân hàng bị ảnh hưởng và tới cuối tháng 10 sẽ đưa ra một "gói cứu trợ tổng thể" cùng với một tầm nhìn mới cho châu Âu.

Hai bên khẳng định không có sự bất đồng và quyết tâm chăm lo cho sự ổn định của đồng euro để có thể thể hiện một châu Âu mạnh tại Hội nghị thượng đỉnh G20 đầu tháng 11 tới tại Cannes, Pháp, làm cho hội nghị thượng đỉnh này trở thành một thành công cho nền kinh tế thế giới.

Hai nhà lãnh đạo cấp cao Pháp và Đức khẳng định rằng Hy Lạp phải tiếp tục ở lại Eurozone và giờ đây phải tìm ra một giải pháp lâu dài cho đất nước này. Hai bên cho biết đang hợp tác chặt chẽ với "Bộ Ba" gồm Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ủy ban châu Âu là các đơn vị đang kiểm tra tình hình ở Hy Lạp, để tìm cách giải quyết vấn đề.

[Đồng euro có trụ vững nếu Hy Lạp rời Eurozone?]

Hai bên bày tỏ hy vọng rằng Quỹ cứu trợ mở rộng, được gọi là Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF), sẽ sớm được tất cả các nước thành viên Eurozone ký kết.

EFSF sẽ có hiệu lực nếu được tất cả 17 nước thành viên Eurozone thông qua. Quỹ này sẽ cung cấp những khoản vay cho các nước đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ như là một biện pháp phòng ngừa khủng hoảng; mua trái phiếu chính phủ của các quốc gia mắc nợ trong Eurozone trên thị trường thứ cấp; cấp tiền cho các quốc gia thành viên để tái cấp vốn cho những ngân hàng bị tác động nghiêm trọng bởi gánh nặng nợ nần.

EFSF sẽ thay thế cho Cơ chế ổn định châu Âu (ESM) - một quỹ cứu trợ thường trực của EU sẽ hết hạn hiệu lực vào năm 2013./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục