Ngày 16/12, Chính phủ Đức đã thông qua gói cải cách các quy định về tài chính và kế toán nhằm tránh một vụ bê bối tương tự của “gã khổng lồ” thanh toán Wirecard tại nước này.
Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) - đối tác trong liên minh cầm quyền - và phe bảo thủ tại Đức đã nhất trí mở rộng các quyền hạn của Cơ quan Giám sát tài chính liên bang (BaFin).
Cụ thể, các quy định mới sẽ trao cho BaFin thêm quyền thu thập thông tin từ các bên thứ ba và tự tiến hành các cuộc điều tra.
[EU chỉ trích Đức vì những sai sót trong vụ bê bối của Wirecard]
BaFin cũng có thêm quyền thông báo cho công chúng biết sớm hơn về những hoạt động của cơ quan này trong công tác kiểm tra cũng như giám sát bảng cân đối kế toán.
Để tránh xung đột lợi ích, Chính phủ Đức áp dụng nghĩa vụ luân phiên kiểm toán bên ngoài tối đa 10 năm/lần để tăng cường tính độc lập của các kiểm toán viên.
Bên cạnh đó, chính phủ cũng cải cách các quy định để các kiểm toán viên chịu trách nhiệm trong các vụ kiện dân sự trong trường hợp xảy ra sai phạm.
Chính phủ Đức tiến hành gói cải cách trên sau khi xảy ra vụ bê bối lớn mang tên Wirecard với hơn 2 tỷ USD đã “bốc hơi” khỏi bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp này.
Nhiều thành viên trong ban lãnh đạo công ty bị cáo buộc đã thổi phồng tổng tài sản và doanh số bán hàng thông qua các giao dịch giả mạo, nhằm đánh bóng hình ảnh một công ty vững mạnh về tài chính và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và khách hàng.
Vụ gian lận tài chính đã gây thiệt hại cho các ngân hàng và nhà đầu tư hơn 3 tỷ euro. Wirecard đã phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào cuối tháng 6 vừa qua do mất khả năng thanh khoản và nợ quá lớn.
Wirecard là công ty có cổ phiếu niêm yết theo chỉ số chứng khoán Dax lớn nhất của Đức (chỉ số được tính dựa trên hoạt động của 30 tập đoàn lớn nhất nước Đức).
Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế Đức, vụ bê bối không chỉ gây tổn hại hình ảnh của đất nước mà còn đặt ra những vấn đề mang tính cấu trúc trong hệ thống pháp luật của Đức./.