Đức và EU tìm cách cứu các ngân hàng Tây Ban Nha

Đức và EU đang khẩn trương thăm dò biện pháp cứu các ngân hàng gặp khó khăn của Tây Ban Nha, mặc dù Madrid vẫn chưa xin cứu trợ.
Các nguồn tin châu Âu ngày 6/6 cho biết Đức và Liên minh châu Âu (EU) đang khẩn trương thăm dò biện pháp cứu các ngân hàng gặp khó khăn của Tây Ban Nha, mặc dù Madrid cho đến nay vẫn chưa xin cứu trợ và phản đối sự giám sát của các thể chế quốc tế.

Theo nguồn tin trên, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất trao thêm nhiều quyền hạn cho các nhà điều phối để kiểm soát các ngân hàng gặp khó khăn, bước đầu tiên tiến tới một liên minh ngân hàng trong Khu vực đồng euro.

Các luật sư EU đang xem xét khả năng áp dụng các hiệp ước phù hợp để Tây Ban Nha nhận được tiền từ các quỹ cứu trợ của Khu vực đồng euro mà không ảnh hưởng đến chương trình điều chỉnh kinh tế toàn diện của Madrid.

EU có thể tổ chức thảo luận kế hoạch mới vào cuối tuần này. Các quan chức Đức tiết lộ mục đích của kế hoạch trên nhằm tránh gây bối rối cho Madrid vì phải chấp nhận những cải cách kinh tế mới được áp đặt từ bên ngoài và phải chịu sự giám sát của các quan chức EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), như đã từng xảy ra với Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ireland.

Đức muốn quỹ cứu trợ dài hạn mang tên Cơ chế Ổn định châu Âu (ESM), có hiệu lực từ tháng tới, cho quỹ cứu trợ FROB của Tây Ban Nha vay trực tiếp, song các luật sư EU lo ngại điều này là vi hiến.

Để có hiệu lực, kế hoạch mới phải được các nước thành viên EU và Nghị viện châu Âu thông qua.

Theo các nhà phân tích, quá trình này có thể kéo dài đến năm 2015, quá muộn để được coi là một giải pháp khả thi đối với Tây Ban Nha - quốc gia đang rơi vào một cuộc khủng hoảng ngân hàng.

Sau Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ireland, Tây Ban Nha là nước thành viên mới nhất trong Khu vực đồng euro chịu sức ép phải chấp nhận cứu trợ vỡ nợ từ các thể chế quốc tế.

Ngày 5/6 vừa qua, nền kinh tế lớn thứ tư Khu vực đồng euro này tuyên bố không còn khả năng tiếp cận với các thị trường tín dụng do phí tổn vay mượn quá cao, đồng thời kêu gọi các đối tác trong EU "giải cứu" các ngân hàng có nguy cơ vỡ nợ của nước này.

Tuy nhiên, sau các cuộc thảo luận ngày 6/6 với EC, Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha Luis de Guindos vẫn khẳng định Madrid không có kế hoạch xin cứu trợ vỡ nợ khẩn cấp, mà sẽ đợi IMF và một cơ quan kiểm toán độc lập công bố báo cáo về thực trạng khu vực ngân hàng nước này, dự kiến trong tháng Sáu này, trước khi đưa ra quyết định về cách thức tái huy động vốn cho các ngân hàng của mình./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục