Dược phẩm: Cơ quan quản lý bó tay, dân lĩnh đủ

Thị trường dược phẩm Việt Nam, đặc biệt là các loại biệt dược, từ lâu đã bị một vài nhà phân phối nước ngoài thao túng. Chuyện không còn mới. Tuy nhiên, xử lý được hành vi cạnh tranh không lành mạnh này không dễ.

Thị trường dược phẩm Việt Nam, đặc biệt là các loại biệt dược, từ lâu đã bị một vài nhà phân phối nước ngoài thao túng. Chuyện không còn mới. Tuy nhiên, xử lý được hành vi cạnh tranh không lành mạnh này không dễ.

Báo cáo “Pháp luật cạnh tranh điều chỉnh hành vi phản cạnh tranh trong hệ thống phân phối dược phẩm tại thị trường Việt Nam” của Cục Quản lý Cạnh tranh thuộc Bộ Công Thương khẳng định, thị trường dược phẩm tại Việt Nam hiện đang bị lũng đoạn bởi hàng loạt hành vi phản cạnh tranh của các tập đoàn dược nước ngoài như: thỏa thuận hạn chế cạnh tranh hoặc lạm dụng vai trò thống lĩnh, vị thế độc quyền.

Bắt tay “chia thị trường”


Việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh đang được thể hiện dưới nhiều dấu hiệu, trong đó có hành vi ấn định giá. “Thuốc trước khi nhập khẩu vào Việt Nam đã được nhà phân phối, công ty môi giới cấu kết với văn phòng đại diện của các công ty nước ngoài ấn định giá. Các công ty nước ngoài cũng quyết định luôn giá bán buôn và bán lẻ ra thị trường, có khi giá thuốc được nâng lên 2-3 lần,” bà Phạm Quế Anh, nghiên cứu viên của Báo cáo cho biết.

Báo cáo này cũng cho thấy có hiện tượng “cấu kết ngầm giả định” trong việc cung cấp thuốc cho thị trường Việt Nam giữa 3 “đại gia”: Zuellig Pharma - chuyên tiếp thị thuốc do công ty mẹ ở Singapore phân phối; Diethelm - tiếp thị thuốc của Mỹ, châu Âu; Mega - tiếp thị thuốc của Thái Lan, Ấn Độ...

Các “đại gia” này tuy không có chức năng phân phối thuốc tại Việt Nam nhưng đã hỗ trợ doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối trong tất cả các khâu của quá trình phân phối thuốc, vận chuyển thuốc, lưu kho, bảo quản cho đến giao hàng và thu tiền tại các cơ sở bán buôn bán lẻ.

Các công ty có chức năng nhập khẩu thuốc thì chủ yếu nhập khẩu ủy thác để kiếm lời. Các mạng lưới này lại phân phối thuốc chuyên khoa đặc trị của các công ty dược phẩm lớn trên thế giới. Do đó, cũng có thể thấy giá bán buôn, bán lẻ thuốc ra thị trường cũng do các công ty nước ngoài ấn định giá.

Để có thể định được giá theo ý muốn, các nhà phân phối dược phẩm lớn đã có sự “phân chia” ngầm với nhau về thị trường và chủng loại thuốc phân phối. Một doanh nghiệp nhập khẩu thuốc của Việt Nam đã nhập khẩu sản phẩm của Diethelm thì không thể nhập khẩu thuốc của Zuellig.

Điều này cũng được chứng minh qua danh mục sản phẩm thuốc chào bán của các hãng dược phẩm này không bao giờ có sự trùng lặp, mà mỗi hãng “đảm trách” một nhóm mặt hàng. Việc “cắt lô”, “ém hàng” tạo nên những cơn sốt giả tạo, đẩy giá lên cao trên thị trường cũng xuất phát từ các “đại gia” này.

Bệnh viện tiếp tay

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, 80% lượng thuốc ở Việt Nam được tiêu thụ tại các bệnh viện. Điều này có nghĩa là, doanh nghiệp phân phối thuốc nào nắm được bệnh viện sẽ nắm chắc phần thắng.

Để “nắm” được bệnh viện, chiêu quan trọng nhất được các nhà phân phối thuốc áp dụng là chi tiền hoa hồng cao. Việc cung ứng thuốc vào các bệnh viện đều phải thông qua đấu thầu, nhưng kết quả trúng thầu thường lại thuộc về… doanh nghiệp cung cấp loại sản phẩm có giá cao nhất.

Mặc dù thuốc sản xuất trong nước chiếm khoảng 50% nhưng lại không được sử dụng đồng đều mà chỉ tập trung ở các tuyến bệnh viện cấp dưới. Bệnh viện tuyến trên sử dụng thuốc ngoại nhiều hơn.

Theo thống kê của Cục Quản lý Dược, trong tổng giá trị thuốc đấu thầu của các bệnh viện, thuốc nhập khẩu đắt tiền hơn chiếm tới 90%. Đơn cử như  Viện Bỏng chiếm 92%, Viện Da liễu quốc gia chiếm 96%, Bệnh viện Phụ sản Trung ương chiếm 86%, Bệnh viện Bạch Mai chiếm 95%...

Các bác sĩ khám bệnh được hưởng mức hoa hồng cao nên thường chọn kê thuốc ngoại.

Cơ quan quản lý bó tay


Báo cáo của Cục Quản lý Cạnh tranh đã thừa nhận, hành lang pháp lý hiện nay chưa đủ để xử lý việc các doanh nghiệp bắt tay nhau để chia thị trường, định giá cao, chi hoa hồng lớn cho bác sĩ… bởi việc phân chia thị trường phân phối thuốc hoàn toàn do chiến lược của từng doanh nghiệp, họ tránh cạnh tranh nhau trên cùng một phân khúc thị trường.

Hành vi này chỉ có thể gọi là “cấu kết ngầm giả định” đây là một hiện tượng kinh tế học không bị cấm trong pháp luật cạnh tranh. Hoặc như hành vi “bắt tay” nhau để cùng hạn chế lượng hàng hóa cung cấp ra thị trường lại không được xem là “đầu cơ” mặc dù có nhiều biểu hiện gần giống với hành vi “đầu cơ”.

Theo quy định của Luật Cạnh tranh, doanh nghiệp chỉ bị coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có thị phần từ 30% trở lên. Tuy nhiên, thực tế hiện chưa có doanh nghiệp nào nắm giữ quá quy định đó.

Mặc dù xét về quy mô của mạng lưới phân phối thì có không ít doanh nghiệp đang chiếm vị trí “thống lĩnh” trong việc phân phối một số mặt hàng mà Zuellig Pharma là một ví dụ. Tuy nhiên kinh doanh phân phối sản phẩm độc quyền là một lợi thế cạnh tranh rất lớn của doanh nghiệp mà pháp luật không cấm.

Với các chiêu lách luật khéo léo, sự ngầm phân chia thị trường một cách “hòa bình”, các nhà cung cấp dược phẩm nước ngoài đang thao túng và hưởng lợi rất lớn từ thị trường dược phẩm Việt Nam.

Báo cáo đã đưa ra kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới trong vấn đề này cũng như đề xuất 5 nhóm giải pháp, trong đó nêu cao vai trò kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước. Chính phủ cần kiểm soát hiệu quả nguồn cung.

Tất cả công ty đầu tư kể cả liên doanh và văn phòng đại diện nước ngoài phải bán thuốc cho mọi nhà phân phối có nhu cầu, không thể từ chối vì bất kỳ lý do gì. Nhà nước cần có quy định thống nhất, rõ ràng về đấu thầu, trong đó cần đấu thầu thuốc theo hình thức hoạt chất thay vì theo hình thức biệt dược.

Để kiểm soát một cách toàn diện hệ thống phân phối thuốc cần có quy định kiểm soát cả các nhà cung ứng thuốc không hiện diện thương mại tại Việt Nam./.

(Doanh nhân/Vietnam+)
 

Tin cùng chuyên mục