Đường sắt các nước ASEAN nỗ lực tham gia xây dựng chuỗi logistics

Vào thời điểm nền kinh tế ASEAN đang trên đà phục hồi mạnh mẽ, đường sắt các nước ASEAN cần đặt ra các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể để mang lại lợi ích không chỉ cho từng quốc gia mà cho cả khu vực.
Đường sắt các nước ASEAN nỗ lực tham gia xây dựng chuỗi logistics ảnh 1Các Tổng Giám đốc Đường sắt 8 nước ASEAN tham gia ký kết biên bản ghi nhớ. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Chiều 25/8, tại Đà Nẵng, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức bế mạc Hội nghị Tổng Giám đốc đường sắt ASEAN lần thứ 42.

Trong 3 ngày làm việc, các nhóm công tác (Tổng Giám đốc, kỹ thuật, vận hành và marketing) đã thảo luận và bàn bạc 45 báo cáo về chủ đề phục hồi và phát triển.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã tham gia trình bày 5 báo cáo về các giải pháp phục hồi và phát triển bền vững, Quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới đường sắt giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050…

Các báo cáo của Tổng công ty được hội nghị đánh giá cao và nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận.

Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Đặng Sỹ Mạnh cho biết, Hội nghị Tổng Giám đốc đường sắt ASEAN lần thứ 42 kết thúc thành công tốt đẹp trong không khí thân ái và thắm tình hữu nghị của một ASEAN thống nhất.

Các báo cáo và thảo luận tại Hội nghị đều là những bài học kinh nghiệm, chia sẻ rất hữu ích với tất cả đường sắt các nước thành viên.

Vào thời điểm nền kinh tế ASEAN đang trên đà phục hồi mạnh mẽ, đạt được nhiều tiến bộ sau đại dịch COVID-19, đường sắt các nước ASEAN cần đặt ra các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể để mang lại lợi ích không chỉ cho từng quốc gia mà cho cả khu vực.

[Khai mạc hội nghị Tổng giám đốc đường sắt ASEAN tại Đà Nẵng]

Để thực hiện sứ mệnh quan trọng này, Hội nghị thống nhất mỗi đường sắt các nước trong khu vực sẽ tích cực, chủ động, nỗ lực hơn để đường sắt tại quốc gia mình hoạt động hiệu quả; thúc đẩy hội nhập khu vực cũng như toàn cầu.

Theo ông Đặng Sỹ Mạnh, thời gian tới, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ tăng cường phát triển vận tải hàng hóa, xây dựng cơ sở hạ tầng; trong đó, chú trọng đường sắt liên vận qua các nước.

Hiện nay, Tổng công ty đã triển khai nhiều ứng dụng như phần mềm bán vé điện tử, quản trị vận tải hàng hóa, tổ chức thư báo điện tử…

Ngoài việc phát triển vận chuyển hàng hóa, Tổng công ty quan tâm duy trì, thúc đẩy vận chuyển hành khách qua việc đưa ra nhiều loại hình dịch vụ và phương tiện đáp ứng các loại phân khúc vận chuyển hành khách. Đơn cử như trong phân khúc cao có những toa xe chỉ chở 12 người và có khoang chỉ có 2 người.

Ông Bounvilay Mixaykham, Phó Tổng Giám đốc Đường sắt Quốc gia Lào cho hay, Hội nghị là cơ hội học hỏi kinh nghiệm của các nước ASEAN, đặc biệt là các biện pháp tổ chức vận tải hiệu quả. Đây cũng là diễn đàn góp phần thúc đẩy sự đoàn kết của các nước ASEAN.

Lào và Việt Nam đã có kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt kết nối từ Vientiane đến cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh). Hy vọng trong tương lai tuyến đường sắt này sẽ đẩy mạnh vận tải hàng hóa và hành khách giữa 2 nước Lào và Việt Nam.

Ông Mohamed Suhaimi Yaacob, Tổng Giám đốc Đường sắt Quốc gia Malaysia cho rằng, ASEAN là một thị trường phát triển logistic lớn.

Đường sắt các nước ASEAN sẽ cùng nỗ lực tham gia xây dựng chuỗi logistics để khai thác nguồn lực như cảng biển, cảng cạn, đặc biệt nâng cao tỷ trọng vận tải đường sắt trong chuỗi logistic.

Hội nghị quyết định tổ chức Hội nghị Tổng Giám đốc Đường sắt ASEAN lần thứ 43 tại Philippines vào năm 2023./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục