Nhiều doanh nghiệp hẳn chưa quên được cảnh xe tải, xe container tắc hàng dài cả vài km vào cửa ngõ thành phố Hải Phòng khi địa phương này thực hiện thắt chặt kiểm soát phương tiện hàng hóa ra vào thành phố, đặc biệt tại chốt kiểm soát trên quốc lộ 5 nối Hải Phòng với Hải Dương vào ngày 19, 20/7.
Sự việc được giải quyết vào trưa 20/7, khi đoàn của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đi kiểm tra công tác bảo đảm an toàn giao thông, lưu thông tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch và làm việc với địa phương này, với nhiều giải pháp tháo gỡ hiệu quả.
Song niềm vui "ngắn chẳng tày gang," khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội trên toàn thành phố vào 6h sáng 24/7, con đường về Hải Phòng cũng lập tức đóng lại với các doanh nghiệp.
[Giãn cách xã hội và những vướng mắc từ tấm "giấy thông hành"]
Đặc biệt, ngày 24/7, Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng ban hành công văn khẩn số 4958/UBND-VX, trong đó quy định "cách ly y tế tập trung 14 ngày với người về/đi qua Hà Nội," bất kể là diện đối tượng nào, đã đặt hoạt động vận tải hàng hóa giữa Hà Nội-Hải Phòng vào tình trạng hết sức căng thẳng bởi các lái xe tải hàng sẽ bị áp quy định này.
Trong khi Hải Phòng là cửa ngõ xuất, nhập khẩu lớn nhất phía Bắc, cũng là nơi tập trung nhiều nhà máy sản xuất.
Hàng hóa từ cảng, nhà máy của Hải Phòng cần đưa lên Hà Nội để cho các khâu sản xuất kế tiếp và ngược lại, hàng hóa từ các nhà máy địa bàn Hà Nội phải chuyển tới cảng Hải Phòng để xuất đi các nước... Tài xế cần được lưu thông hai chiều.
Trước những bức xúc của lái xe và doanh nghiệp, trả lời báo chí vào chiều 25/7, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam cho biết sẽ không áp dụng cách ly 14 ngày với lái xe chở hàng hóa xuất, nhập khẩu từ Hà Nội về, nhưng đối tượng này sẽ cần có giấy xét nghiệm RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2. Tuy nhiên, tuyên bố miệng của lãnh đạo địa phương này không được cụ thể hóa thành văn bản nên các chốt không thực hiện.
Sáng 27/7, anh Sáng, lái xe tải 29C-19001 đi từ Nội Bài về trả hàng tại Hải Phòng, đã bị chốt kiểm dịch Quán Toan (quốc lộ 5A) không cho thông chốt với thông điệp "vào Hải Phòng sẽ bị đi cách ly," mặc dù lái xe này có đầy đủ thẻ nhận diện phương tiện có mã QR code luồng xanh và giấy xét nghiệm RT-PCR còn hiệu lực. Không chỉ anh Sáng, nhiều lái xe khác cũng gặp cảnh tương tự.
Chỉ sau khi thông tin này được phản ánh tới các hiệp hội và báo chí, các xe mới được thông chốt, nhưng anh Sáng vẫn bị chốt này giữ cả bằng lái xe, chứng minh nhân dân (được trả khi lái xe quay ra) và phải viết cam kết phòng, chống dịch 5K.
Hai ngày qua, các cửa ngõ vào Hà Nội đã không còn tình trạng tắc nghẽn, song, điều đó không đồng nghĩa với việc các xe vận tải hàng hóa thiết yếu đã được lưu thông thông suốt.
Do việc cơ quan chức năng tiến hành phân luồng từ xa, nên tình trạng ách tắc này lại đổ về các tỉnh, thành, nơi có tuyến đường đi về Hà Nội.
Phản ánh của doanh nghiệp cho thấy trên địa bàn huyện Mê Linh (Hà Nội), hướng đi từ Vĩnh Phúc vào Hà Nội thường xuyên tắc nghẽn, hàng dài xe tải, xe container xếp hàng chờ. Thậm chí, những ngày qua, không ít lái xe đã phải "lách," tìm những cung đường vòng để tránh chốt kiểm soát.
Phòng, chống dịch nhưng không được làm đứt gãy chuỗi sản xuất, bảo đảm thực hiện mục tiêu kép, yêu cầu này nhiều lần được lãnh đạo Chính phủ đặt ra, song, không phải địa phương nào cũng thực hiện đúng. Nhiều nơi vẫn đặt ra cho mình những quy định đặc thù, không thống nhất. Chẳng hạn, có nơi chỉ chấp nhận kết quả test RT-PCR, không nhận kết quả test nhanh.
Cũng có nơi chỉ đồng ý hiệu lực của giấy xét nghiệm được tính từ khi nhận kết quả test 48 giờ, thay vì 72 giờ như quy định của Bộ Y tế, hay thời điểm được tính từ khi lấy mẫu xét nghiệm, làm giảm thời gian hiệu lực của tấm "giấy thông hành" cho người.
Ngày 24/7, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Chí Giang có văn bản yêu cầu người từ thành phố Hà Nội ra vào tỉnh Vĩnh Phúc và ngược lại, phải thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR, có kết quả âm tính trong vòng 3 ngày.
Quy định này khiến doanh nghiệp trên địa bàn một phen nháo nhác. Có nhà máy đặt tại Vĩnh Phúc, bà Đỗ Thúy Hương, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử cho biết, đã cho lãnh đạo, chuyên gia và cán bộ của nhà máy đang sinh sống tại Hà Nội đi làm test nhanh toàn bộ để sáng hôm sau đưa lên Vĩnh Phúc chủ động thực hiện 3 tại chỗ; nhằm đỡ áp lực mỗi lần đưa nhân sự quay về Hà Nội những ngày này.
Tuy nhiên, Vĩnh Phúc có văn bản khẩn chỉ đạo với người về từ Hà Nội chỉ chấp nhận test RT-PCR nên công ty lại phải cho mọi người đi test RT-PCR ngay.
Nhiều hiệp hội bày tỏ bức xúc khi hàng chục lái xe tập trung tại một điểm để làm xét nghiệm.
Ông Trần Đức Nghĩa, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam cho biết thời gian qua, các địa phương áp dụng biện pháp phòng, chống dịch đã gây ảnh hưởng rất nhiều đến doanh nghiệp của Hiệp hội. Doanh nghiệp vận tải đường bộ đang ở trong tình trạng kiệt quệ sau hơn 1 năm chịu tác động của dịch bệnh, doanh thu suy giảm, chi phí tăng lên.
"Một công ty có 150 lái xe, hiện hàng tháng phải chi trả hàng trăm triệu đồng phí xét nghiệm các loại," ông Nghĩa bày tỏ.
Theo ông, khi thay đổi hoặc áp đặt quy định, hầu hết các địa phương có xu hướng áp dụng rất nhanh, gây lúng túng cho doanh nghiệp. Ước tính, mỗi ngày, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội bị thiệt hại 100 tỷ đồng do dịch COVID-19.
Một số doanh nghiệp cho biết văn bản của các địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Nai đều bị vướng ở chỗ không nêu rõ việc áp dụng tại chốt như thế nào.
Không chỉ gặp khó khăn, vướng mắc ở hai tấm "giấy thông hành": giấy chứng nhận xét nghiệm SARS-CoV-2 và giấy nhận diện phương tiện "luồng xanh", doanh nghiệp còn khốn khổ với khái niệm "hàng hóa thiết yếu". Rất may ngày 29/7, Thủ tướng Chính phủ đã có quy định mới, không còn quy định về danh mục hàng hóa thiết yếu.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, một số địa phương áp dụng quá máy móc các biện pháp phòng, chống dịch. Hiện nay, biến thể Delta mới của COVID-19 ảnh hưởng rất nhiều đến việc sắp xếp lại hoạt động sản xuất, giao thương. Xét nghiệm chỉ là một giải pháp trong tất cả các giải pháp phòng, chống dịch, không phải trên hết. Bởi vì, qua phân tích, con số 72 giờ chỉ là tương đối.
Thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công Thương chấp nhận test nhanh vì RT-PCR cho kết quả chính xác nhưng mất thời gian, gây ách tắc giao thông.
Do đó, phải chấp nhận rủi ro từ việc test nhanh, bố trí làn test nhanh tại các điểm dừng, giải phóng cho lái xe để không bị cảnh ùn tắc./.