Dịch COVID-19 trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh tiếp tục diễn biến phức tạp, song chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp Thành phố vẫn quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép,” vừa duy trì sản xuất trong môi trường an toàn vừa dập dịch.
Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu trên không hề dễ dàng, đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành cũng như chiến lược duy trì hệ sinh thái phục vụ các doanh nghiệp thực hiện sản xuất theo phương châm “3 tại chỗ.”
Bài 1: Tháo gỡ ngay những bất cập
Những ngày gần đây các doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đang “chạy đua” để đáp ứng yêu cầu “3 tại chỗ” gồm sản xuất tại chỗ-ăn tại chỗ-nghỉ ngơi tại chỗ hoặc “1 cung đường-2 địa điểm,” chỉ duy nhất 1 cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở của công nhân để duy trì sản xuất trong điều kiện phòng chống dịch mới.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, quá trình thực hiện đã phát sinh nhiều khó khăn, bất cập cần được hỗ trợ, tháo gỡ ngay để có thể duy trì mô hình này đến khi dịch COVID-19 trên địa bàn được kiểm soát tốt hơn.
Thích ứng với mùa dịch
Theo thống kê, đến ngày 15/7, đã có gần 600 doanh nghiệp trong 17 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao đăng ký thực hiện phương châm “sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ” với gần 123.900 công nhân.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng đủ một trong 2 điều kiện “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường-2 điểm đến” đã tạm thời ngưng hoạt động nhưng vẫn tiếp tục chuẩn bị các điều kiện theo yêu cầu để có thể sản xuất trở lại trong những ngày tới.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch công đoàn Công ty Cổ phần cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng (Khu công nghiệp An Hạ, huyện Bình Chánh) cho biết, nhà máy đang có nhiều đơn hàng cần hoàn thành.
Nếu để xảy ra dịch bệnh hoặc tạm ngừng sản xuất thì thiệt hại sẽ rất lớn kể cả về kinh tế lẫn uy tín. Do đó, doanh nghiệp đã lên phương án bố trí cho hơn 700 công nhân ở lại nhà máy theo phương châm “3 tại chỗ” để không bị đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, đảm bảo uy tín, đơn hàng với các đối tác đã được ký kết trước đó.
[Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh đề xuất gỡ khó khi sản xuất 3 tại chỗ]
Để toàn bộ nhân sự có thể sinh hoạt tại nơi làm việc, Công ty đã trang bị đầy đủ vật dụng cần thiết phục vụ cho công nhân, bố trí nơi ở, khu vệ sinh, tắm giặt, phơi quần áo.
Công nhân sẽ ở trong khu văn phòng còn trống được trang bị đầy đủ tiện nghi. Ngoài ra, một mặt sàn nhà xưởng hơn 1.000 m2 chưa sử dụng cũng được lắp thêm vật dụng thiết yếu để phục vụ sinh hoạt cho công nhân.
Tại Công ty Cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (VIFON) ở quận Tân Phú, ông Nguyễn Xuân Dũng, Quản đốc Công ty thông tin, là doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, các loại mì gói lớn của cả nước, việc đảm bảo các yêu cầu phòng dịch và an toàn thực phẩm là yêu cầu bắt buộc.
Hiện Công ty có 500/1.200 người làm việc và ăn, ở tại chỗ, tất cả thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.
“Mỗi người một chỗ ngủ, có chăn, gối, vòm chụp, bố trí quạt, cửa thông gió đầy đủ. Đặc biệt, mỗi chỗ ngủ đều được đánh mã số tương ứng với mã số nhân viên và người lao động phải ngủ đúng chỗ của mình. Để đảm bảo sức khỏe và động viên tinh thần cho người lao động, tất cả người làm việc tại Công ty đều được test nhanh với COVID-19, tăng 60% lương cho khối văn phòng, 70% cho khối sản xuất. Doanh nghiệp cũng phục vụ miễn phí ba bữa ăn/ngày và bồi dưỡng thêm sữa cho công nhân,” ông Dũng chia sẻ thêm về cách tổ chức sản xuất "3 tại chỗ" của Công ty.
Là nơi tập trung phần lớn các doanh nghiệp công nghệ thông tin, Công viên phần mềm Quang Trung có nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ về công nghệ, hệ thống điều hành, dịch vụ dữ liệu cho doanh nghiệp và bộ máy chính quyền thành phố.
Do đó, khi nhận được chỉ đạo của Thành phố các doanh nghiệp tại đây đã gấp rút chuẩn bị phương án “3 tại chỗ” cho hơn 800 nhân viên, bao gồm bảo vệ, nhân viên vệ sinh, nhân viên cung cấp suất ăn trong khu.
Riêng Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên phát triển Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) đã bố trí 24 nhân sự chuyên trách như viễn thông, điện, nước, quản lý tòa nhà…để đảm bảo các hoạt động quản lý nội khu được thông suốt, giúp các doanh nghiệp yên tâm sản xuất cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp khi có sự cố xảy ra.
Tất cả các nhân viên này đều được xét nghệm và có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trước khi bước vào thời gian “cắm trại.”
Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc QTSC thông tin: Các công ty đang bố trí làm việc trong đợt cao điểm này chỉ chiếm khoảng 6% số lượng nhân sự thường xuyên làm việc tại QTSC trong điều kiện bình thường.
Do đó, mặc dù việc tổ chức “3 tại chỗ” khá cập rập nhưng về cơ bản QTSC đã hoàn thành hỗ trợ để các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động sản xuất.
Đặc biệt, QTSC đã bố trí đủ nhân sự trực tại Trung tâm Viễn thông của QTSC cam kết đảm bảo tất cả các dịch vụ cung cấp cho hệ thống hạ tầng viễn thông - trung tâm dữ liệu, hệ thống đảm bảo an ninh an toàn thông tin và hệ thống hạ tầng chính quyền điện tử.
Phát sinh nhiều vấn đề
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng trong bối cảnh dịch COVID-19 trên địa bàn diễn biến phức tạp như hiện nay thì việc yêu cầu doanh nghiệp “cắm trại” theo phương châm “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường - 2 địa điểm” là giải pháp tốt nhất của Thành phố nhằm thực hiện “mục tiêu kép” nên rất được các doanh nghiệp ủng hộ.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ điều kiện để đáp ứng các yêu cầu chi tiết về sản xuất, ăn, ở như cơ quan thẩm định yêu cầu. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp đã rất cố gắng, tận dụng hết các diện tích để sắp xếp chỗ ở lại, sinh hoạt cho công nhân nhưng rất ít doanh nghiệp có thể phân chia khu nghỉ ngơi riêng, khu sản xuất riêng.
Bên cạnh đó, hoạt động của bếp ăn tại công ty cũng gặp nhiều khó khăn khi phải cung cấp đủ 3 bữa ăn/ngày thay vì 1 bữa như trước, trong khi nguồn cung ứng thực phẩm xuất hiện nhiều bất cập, thiếu hụt về số lượng, chủng loại và thời gian giao hàng chậm.
Đối với những doanh nghiệp tổ chức theo hình thức “1 cung đường-2 địa điểm” thì gặp phải vấn đề thiếu phương tiện để vận chuyển cùng lúc số lượng lớn công nhân, lao động đến nhà máy và về chỗ ở.
“Đáng nói nhất, theo quy định tại công văn 2337/UBND-TH của Ủy ban Nhân dân Thành phố, yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện việc xét nghiệm nhanh cho người lao động là 7 ngày/lần nhưng hiện nay một số nơi, địa phương lại ban hành quy định xét nghiệm 3 ngày/lần dẫn đến không nhất quán và gây tốn kém cho doanh nghiệp. Chi phí một lần test nhanh giao động từ 300.000-400.000 đồng/người và doanh nghiệp phải tự chi trả. Đây là khoản tiền không nhỏ đối với các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay,” ông Phương nêu vấn đề.
Cùng quan điểm, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Cơ khí Duy Khanh, Chủ tịch Hội Cơ khí-Điện Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các doanh nghiệp rất đồng tình và ủng hộ với giải pháp tổ chức sản xuất, cách ly tại chỗ.
Tuy nhiên việc yêu cầu test nhanh tất cả công nhân với tần suất 7 ngày/lần lại tạo gánh nặng lớn đối với doanh nghiệp đang áp dụng “3 tại chỗ” mà không mang lại nhiều giá trị thực tế trong việc phòng chống lây lan dịch bệnh.
Theo phân tích của ông Đỗ Phước Tống, việc test nhanh để phát hiện người nhiễm COVID-19 đang là chiến dịch lớn của toàn Thành phố nhưng doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” theo chỉ đạo của thành phố thì phải tự bỏ tiền để xét nghiệm cho công nhân, nhân viên.
Trong khi đó, doanh nghiệp đã phải chi rất nhiều để trang bị các thiết bị, vật dụng phục vụ nhu cầu ăn ở, sinh hoạt tại chỗ như màn, chăn, chiếu, gối, quạt điện, thiết bị vệ sinh phục vụ công nhân.
Chưa kể, việc tổ chức test nhanh cho công nhân rất bất cập khi không có đội y tế đến doanh nghiệp lấy mẫu mà công nhân phải tự đến các cơ sở y tế để thực hiện. Điều này lại đi ngược với mục đích của việc áp dụng “3 tại chỗ” mà doanh nghiệp đang áp dụng và có thể mang mầm bệnh từ bên ngoài vào công ty.
Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HUBA) cũng ghi nhận nhiều ý kiến hội viên phản ánh việc đánh giá doanh nghiệp có đáp ứng đủ “3 tại chỗ” hiện nay chưa cụ thể, rõ ràng.
Theo cách hiểu của doanh nghiệp chỉ cần đáp ứng được 3 yếu tố: sản xuất, ăn uống, ngủ nghỉ trong một khuôn viên của doanh nghiệp theo hình thức “dã chiến.” Tức là công nhân có thể sản xuất, nghỉ ngơi trong xưởng, miễn đáp ứng yêu cầu giãn cách. Tuy nhiên nhiều đoàn thẩm định yêu cầu khu vực ngủ nghỉ phải tách riêng khu vực đặt thiết bị máy móc; bếp ăn công ty phải đủ công suất phục vụ ngày 3 bữa…
Song song đó, hoạt động của các kho bãi và việc vận chuyển nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa sản xuất ra đang gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều khu vực thuộc Thành phố không cho phép các kho bãi hoạt động, nhiều trạm kiểm soát trong Thành phố không cho lưu thông vận chuyển nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa sau sản xuất đến nơi tiêu thụ, vì coi là mặt hàng không thiết yếu./.