EC đề xuất một loạt biện pháp mới chống dịch COVID-19

EC cảnh báo việc nới lỏng các biện pháp chống dịch hiện hành trong những tháng mùa Hè không phải lúc nào cũng song hành với những bước đi nhằm đảm bảo đủ năng lực ứng phó dịch bệnh.
EC đề xuất một loạt biện pháp mới chống dịch COVID-19 ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng COVID-19 tại Prague, Cộng hòa Séc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 28/10, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất một loạt biện pháp mới trong nỗ lực ứng phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong Liên minh châu Âu (EU), nhấn mạnh sự gia tăng đột biến các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại châu lục này trong thời gian gần đây là "đáng báo động."

Trong bối cảnh châu Âu một lần nữa trở thành tâm dịch COVID-19 của thế giới, cơ quan điều hành EU đã hối thúc 27 nước thành viên hành động và tăng cường phối hợp hơn nữa trong cuộc chiến chống đại dịch nguy hiểm này.

Trong tuyên bố của mình, EC cảnh báo việc nới lỏng các biện pháp chống dịch hiện hành trong những tháng mùa Hè không phải lúc nào cũng song hành với những bước đi nhằm đảm bảo đủ năng lực ứng phó dịch bệnh.

Để theo dõi hiệu quả hơn sự lây lan của dịch COVID-19, EC cho rằng chính phủ các nước thành viên EU cần phối hợp trong việc triển khai các chiến lược xét nghiệm, cũng như tận dụng các xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên, cho dù nguồn cung toàn cầu cho các bộ kit xét nghiệm đang được siết chặt. EC cũng cảnh báo cần sớm có biện pháp giải quyết tình trạng thiếu hụt năng lực xét nghiệm.

Nhằm tránh nguy cơ tái diễn tình trạng thiếu hụt trang thiết bị y tế, vốn đã xảy ra trong EU ngay khi đại dịch ập đến vào mùa Xuân, EC cho biết đã phát động chương trình mua sắm chung các thiết bị cần thiết cho tiêm chủng, như ống tiêm và chất sát trùng.

Cơ quan này cũng gia hạn quyết định tạm đình chỉ áp thuế hải quan và thuế bán hàng đối với việc nhập khẩu thiết bị y tế cho tới tháng 4/2021. Theo EC, các nước trong EU có thể miễn thuế bán hàng đối với bộ kit xét nghiệm virus SARS-CoV-2 và vắcxin phòng COVID-19.

[WHO: Việc từ bỏ nỗ lực kiểm soát COVID-19 là rất nguy hiểm]

EC đồng thời kêu gọi các nước thành viên nhanh chóng triển khai các chiến lược tiêm chủng nhằm đảm bảo những đối tượng dễ bị tổn thương nhất có thể nhanh chóng tiếp cận vắcxin phòng COVID-19 nếu có trong tương lai.

Trong khi đó, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết Brussels đã quyết định dành 100 triệu euro (118 triệu USD) để mua các xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên của virus SARS-CoV-2, nhấn mạnh đây là công cụ quan trọng trong nỗ lực khống chế sự lây lan của dịch COVID-19.

Theo bà von der Leyen, các số liệu của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho thấy virus SARS-CoV-2 đang lây lan chóng mặt trên khắp châu Âu và châu lục này đang trong làn sóng dịch bệnh thứ hai. Tuần trước, tổng số ca mắc tại châu Âu đã lên tới 1,1 triệu người, ngày càng nhiều người nhiễm bệnh và phải nhập viện điều trị.

Bà cho biết EC dự đoán số bệnh nhân mắc COVID-19 sẽ tiếp tục tăng "rất nhanh" trong 2-3 tuần tới, đồng thời hối thúc lãnh đạo các nước thành viên đảm bảo việc chia sẻ dữ liệu và thông tin hiệu quả hơn thông qua một nền tảng do ECDC thiết lập.

Trước đó cùng ngày, trong cuộc trả lời phỏng vấn nhật báo La Stampa (Italy), Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nhận định EU phải ứng phó với dịch COVID-19 một cách hiệu quả hơn thông qua các chính sách về xét nghiệm, truy vết tiếp xúc, bào chế vắcxin và cách ly trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 ở châu lục này đang rất nghiêm trọng và đáng báo động.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu cũng nhấn mạnh rằng sự phối hợp giữa các nước EU cũng rất cần thiết nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của đại dịch đối với kinh tế, xã hội. Ngoài ra khu vực này, sẽ cần được chuẩn bị sẵn sàng để tiêm chủng khi có vắcxin phòng ngừa COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục