El Salvador công nhận Bitcoin: Lập dị hay ý tưởng tuyệt vời?

Mục tiêu rõ ràng của Tổng thống Bukele trong luật Bitcoin là thu hút ngoại tệ từ đầu tư và du lịch gắn liền với thế giới ảo đến với đất nước, nhằm giúp nền kinh tế El Salvador trở nên năng động hơn.
El Salvador công nhận Bitcoin: Lập dị hay ý tưởng tuyệt vời? ảnh 1Đồng tiền kỹ thuật số bitcoin. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bình luận về quyết định mới đây của El Salvador trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cho phép sử dụng tiền ảo Bitcoin như tiền thật, chuyên trang kinh tế “americaeconomia.com” đã trích dẫn câu nói của đại văn hào Mark Twain: “Người đưa ra một ý tưởng mới sẽ là một ‘gã lập dị’ cho tới khi chứng minh được đó là một ý tưởng tuyệt vời.”

Năm 1991, tại đất nước Estonia mới giành lại độc lập, Thomas Hendrik Ilves đã đặt cược tương lai vào cuộc cách mạng mã số hóa và thuật toán tin học, để rồi ngày nay quốc gia nhỏ bé bên bờ Baltic này là một hình mẫu của một xã hội số.

Trước đó, năm 1965, ông Lý Quang Diệu đã khởi đầu những bước đi táo bạo và mạnh mẽ để biến Singapore, một đảo quốc không tài nguyên và “thiên đường của sự ô nhiễm” với những dòng sông sình lầy và những con kênh đen kịt, trở thành một tấm gương điển hình về thành tựu về thịnh vượng kinh tế và bảo vệ môi sinh.

Liệu Nayib Bukele, vị Tổng thống 40 tuổi xuất thân là doanh nhân thành đạt của El Salvador, có tiếp bước được hai tiền bối trên để trở thành “anh chàng lập dị” tiếp theo của thế giới hay không? Ít nhất thì cho tới nay, ông cũng đã chứng tỏ mình không hề e ngại khi đưa ra những quyết sách dựa trên những mô thức kinh tế và tài chính khác với những chuẩn mực thông dụng và chúng có thể là chìa khóa để giải quyết những thách thức chính của người dân El Salvador.

Với 10 điều khoản chung và 6 tiểu mục chuyển tiếp, đạo luật do Tổng thống Bukele thúc đẩy và mới được Quốc hội El Salvador thông qua đã mở cánh cửa cho việc tái định hình nền tài chính quốc gia, khi cho phép sử dụng Bitcoin như một đơn vị thanh toán hợp pháp tại quốc gia Trung Mỹ này.

Trong khi giới chức khắp nơi trên thế giới, nếu không tìm cách hạn chế cấm đoán, thì cũng muốn “bóp nặn” lãi suất tư bản từ các loại tiền ảo, thì Điều 5 trong luật mới được thông qua của El Salvador thậm chí còn quy định những người sử dụng hình thức thanh toán tân tiến này còn không phải trả thuế, cũng như bất kỳ đồng tiền hợp pháp nào khác đang lưu hành.

Mục tiêu rõ ràng của ông Bukele là thu hút ngoại tệ từ đầu tư và du lịch gắn liền với thế giới ảo đến với đất nước, nhằm giúp nền kinh tế El Salvador trở nên năng động hơn.

[Fitch cảnh báo về quy định triển khai bitcoin của El Salvador]

Với việc công bố Luật Bitcoin, đã có nhiều nhà đầu tư bày tỏ sự quan tâm tới thị trường El Salvador. Chính phủ quốc gia Trung Mỹ này cũng thông báo kế hoạch xây dựng một nhà máy “đào Bitcoin” bằng năng lượng địa nhiệt từ núi lửa, được coi là 100% sạch, có thể tái tạo và không gây khí thải độc hại, với vốn đầu tư là 480 triệu USD.

Hoạt động tìm kiếm bất động sản tại El Salvador đã bắt đầu tăng vọt trong những ngày qua, trong khi công ty Athena Bitcoin thông báo sẽ đầu tư 1 triệu USD chỉ để nhập khẩu các máy mua bán Bitcoin tự động.

Và xu hướng này sẽ còn tiếp tục lớn mạnh như một “quả cầu tuyết”, bước đi tiếp theo hẳn sẽ là đầu tư mở rộng mạng lưới Internet tại đất nước mà 55% dân số vẫn chưa có kênh kết nối vào mạng toàn cầu này.

Điều 7 của đạo Luật Bitcoin quy định, tất cả các tác nhân kinh tế phải chấp nhận Bitcoin như một hình thức thanh toán cho một sản phẩm hay dịch vụ. Hãy tưởng tượng chỉ cần 1% lượng vốn hóa hiện tại của Bitcoin hiện tại được sử dụng để mua sắm sản phẩm và dịch vụ tại El Salvador, điều này sẽ thúc đẩy GDP của đất nước gần 6,5 triệu dân này tăng trưởng 25%.

El Salvador hiện có mức nợ nước ngoài tương đương 87% GDP, mà theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Tài chính Trung Mỹ là “đặc biệt đáng lo ngại” và nước này đang thương lượng với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về một khoản vay trị giá 1,3 tỷ USD.

Vậy IMF nói gì về Luật Bitcoin? Gerry Rice, người phát ngôn của IMF, tuyên bố: “Việc thông qua luật cho phép Bitcoin trở thành đồng tiền lưu hành hợp pháp đặt ra một loạt nghi vấn về kinh tế vĩ mô, tài chính và pháp lý và đòi hỏi phải có một phân tích thật sự cẩn trọng.”

Thế nhưng vì sao IMF không đưa ra một nhận xét tương tự khi El Salvador đưa vào lưu hành tự do và hợp pháp đồng USD? Vì từ năm 2001 Ngân hàng Dự trữ Trung ương của El Salvador đã bãi bỏ sự độc quyền của đồng colón nội tệ trong giao dịch và cho phép USD tự do lưu hành.

Kết quả là chỉ sau một năm đồng colón đã bắt đầu vắng bóng và tới nay thì hầu như chỉ có đồng USD xuất hiện trong các giao dịch tại El Salvador. Tiền đề này cũng cho thấy nếu có một quốc gia nào biết cách rút lại quyền kiểm soát chính sách tiền tệ và chuyển tiếp từ một đồng tiền này sang đồng tiền khác, thì đó chính là El Salvador, và cũng sẽ không là điều ngạc nhiên nếu trong vài năm tới Bitcoin sẽ trở thành đồng tiền được ưu tiên sử dụng tại quốc gia Trung Mỹ này.

Tất nhiên, Tổng thống Bukele cũng không dự định phi USD hóa nền kinh tế. Luật mới đồng thời chỉ ra rằng trong công tác kế toán, đồng USD vẫn là đồng tiền tham chiếu.

Văn bản này cũng chỉ ra rằng tỷ giá giữa Bitcoin và USD sẽ được xác định theo giá lên xuống tự do trên thị trường. Điều này nghe có vẻ là một điều điên rồ: một chính phủ với hai đồng tiền nhưng lại không có quyền kiểm soát đồng thời vận hành với những cấu trúc trái ngược.

Một bên là đồng USD hiện đã mất chế độ bản vị vàng và giá trị dựa trên niềm tin vào Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - cơ quan mà chỉ trong năm 2020 đã tăng nguồn cung USD thêm 25%; và một bên là Bitcoin, đồng tiền ảo cũng không dựa vào bất kỳ đồng tiền thực nào khác mà chỉ có cơ sở là một mã số và một chính sách tiền tệ công khai và định trước bởi một chương trình tin học; và hãy tưởng tượng bối cảnh này sẽ ra sao khi đồng USD điện tử được tích hợp vào thị trường này?

Đáng tiếc là các thể chế như Ngân hàng Thế giới (WB) đã từ chối giúp đỡ El Salvador triển khai Bitcoin như đồng tiền hợp pháp, khi viện dẫn sự thiếu minh bạch của tiến trình này và những tác động tới môi trường của hoạt động “đào Bitcoin.”

Như nhà văn Voltaire từng nói “mỗi con người là sinh vật của thời đại mình sống và chỉ rất ít người vượt được lên trên những suy nghĩ này”, những kết luận trên cho thấy rằng đa phần các quan chức Ngân hàng Thế giới chưa thật sự hiểu về Bitcoin.

Thứ nhất, nếu có một hệ thống nào minh bạch, thì đó chính là hệ thống này, và đây cũng là một trong những sức hút lớn nhất của Bitcoin. Thứ hai, một nghiên cứu mới đây của Galaxy Digital đã ước tính lượng tiêu thụ điện toàn cầu của Bitcoin ở mức 113,89 TWh/năm, số liệu bao gồm từ tiêu thụ điện năng của các “thợ mỏ,” của các “bể đào” và của các điểm nút.

Con số này chưa bằng một nửa so với mức tiêu thụ điện năng của hệ thống ngân hàng toàn cầu, bao gồm cả các trung tâm dữ liệu, các chi nhánh, các máy rút tiền tự động và hệ thống dùng thẻ qua mạng, mà cũng theo nghiên cứu trên là ở mức 263,72 TWh/năm.

El Salvador là quốc gia có tới 70% dân số không có tài khoản ngân hàng và chủ yếu tham gia các hoạt động kinh tế không chính thức hay thời vụ; gần 20% GDP là kiều hối từ nước ngoài và 46% GDP là từ ngành công nghiệp lắp ráp.

Trong vòng 5 tháng đầu năm 2021, El Salvador đã nhận 3,035 tỷ USD kiều hối; hãy tưởng tượng nếu số tiền này chuyển thành Bitcoin thì sẽ tác động ra sao?

Dĩ nhiên, việc biến một đồng tiền ảo, hay cả các đồng tiền số mà các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đang chuẩn bị phát hành, thành đồng tiền hợp pháp hay chỉ việc chấp nhận rộng rãi nó như một loại hình dự trữ đối với mỗi quốc gia đều tiềm ẩn những rủi ro to lớn, mà riêng về mặt tài chính ngân hàng có thể kể tới ba vấn đề lớn phải đối mặt là chủ quyền tiền tệ, ổn định tài chính và sự tồn vong của hệ thống ngân hàng thương mại tư nhân.

Tuy nhiên, riêng trường hợp El Salvador, với các đặc điểm đã nêu, những rủi ro này là không lớn hoặc vốn đã tồn tại trong nền kinh tế (chủ quyền tiền tệ hầu như không còn sau khi nước này chấp nhận tự do lưu hành USD, hệ thống ngân hàng thương mại yếu kém và đa phần người dân không tiếp cận…), và Tổng thống Bukele đơn giản là tận dụng những đặc tính vốn là nhược điểm của nền kinh tế nước mình thành ưu điểm để tiến hành một bước đi tiên phong táo bạo.

Cuộc khủng hoảng kinh tế-y tế mà thế giới đang trải sẽ dẫn tới những thay đổi trong rất nhiều lĩnh vực. Trong khi nhiều nước vẫn muốn giữ nguyên hiện trạng, thì ngày nay El Salvador đang muốn tiến bước trong việc tìm kiếm sự đổi mới về tài chính, trong đó cả các tập đoàn đa quốc gia về thanh toán điện tử như Visa hay Mastercard sẽ tới và chào mời dịch vụ thanh toán của họ với Bitcoin.

Chưa thể nói liệu Tổng thống Nayib Bukele có thành công hay không, nhưng chí ít ông cũng muốn đi theo con đường như nhà văn Mỹ Eric Hoffer từng mô tả: “Trong thời đại của những thay đổi, những ai sẵn lòng học hỏi sẽ làm chủ tương lai, trong khi những người tự cho rằng mình biết tuốt sẽ chỉ trang bị đầy đủ cho một thế giới đã không còn tồn tại”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục