EU chấm dứt 40 năm tranh cãi về bằng sáng chế

EU đạt thỏa thuận cấp loại bằng sáng chế duy nhất trong toàn khu vực, tạo điều kiện để các nhà nghiên cứu bảo vệ phát minh của mình.
Ngày 29/6, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã đạt thỏa thuận về cấp một loại bằng sáng chế duy nhất trong toàn khu vực, tạo điều kiện để các nhà nghiên cứu bảo vệ phát minh của mình một cách dễ dàng và đỡ tốn kém hơn.

Cuộc tranh cãi kéo dài 40 năm qua về vấn đề bằng sáng chế chung được khai thông nhờ sự thỏa hiệp về địa điểm đóng trụ sở tòa án xét xử các vụ tranh chấp liên quan bằng sáng chế.

Thỏa thuận "phân chia 3 chiều" chọn Pháp là nơi đặt trụ sở tòa án và văn phòng chủ tịch tòa án.

Anh là nơi xử lý các tranh chấp liên quan lĩnh vực khoa học đời sống, hóa học và nhu cầu thiết yếu của con người.

Đức tiếp nhận các văn phòng quản lý, chịu trách nhiệm giải quyết những tranh cãi liên quan kỹ thuật tiên tiến và hiệu quả sử dụng các nguồn.

Tây Ban Nha và Italy vẫn đứng ngoài hệ thống bằng sáng chế toàn EU do tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Đức được chọn làm các ngôn ngữ chính thức cho văn bằng này.

Điều này đồng nghĩa thỏa thuận mới chỉ có hiệu lực đối với 25 nước thành viên còn lại trong EU.

Hiện tại, các công ty và các nhà đầu tư phải xin cấp bằng sáng chế ở từng nước thành viên EU với chi phí lên tới 20.000 euro (25.200 USD) mỗi lần, bao gồm 14.000 euro phí dịch thuật.

Tại Mỹ, người xin cấp bằng sáng chế chỉ phải chi 1.850 USD để bảo vệ "tài sản" của mình./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục