EU chia rẽ trong quan điểm về chiến lược kinh tế hậu đại dịch

Ban điều hành của Ngân hàng Trung ương châu Âu, ngày 28/6 cho rằng các quan chức tiền tệ của khối nên duy trì “tính linh hoạt khác thường” mà họ đã áp dụng trong suốt cuộc khủng hoảng do đại dịch.
EU chia rẽ trong quan điểm về chiến lược kinh tế hậu đại dịch ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các nhà hoạch định chính sách kinh tế hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) đang có những quan điểm khác nhau về cách vận hành nền kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Ông Fabio Panetta, một thành viên trong Ban điều hành của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), ngày 28/6 cho rằng các quan chức tiền tệ của khối nên duy trì “tính linh hoạt khác thường” mà họ đã áp dụng trong suốt cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19, giữ lãi suất ở mức thấp cho đến khi chi tiêu chính phủ góp phần đẩy lạm phát tăng lên.

Ông Panetta cũng cho rằng ECB nên cân nhắc duy trì sự linh hoạt trong chương trình mua trái phiếu khẩn cấp trị giá 1.850 tỷ euro (2.200 tỷ USD) khi chương trình này hết hạn. Trước đây, một chương trình nới lỏng định lượng thường bị giới hạn lượng trái phiếu của một nước mà ECB có thể mua.

Chỉ vài giờ sau đó, hai đồng nghiệp của ông tại Hội đồng Thống đốc ECB là Jens Weidmann và Robert Holzmann cho rằng cần phải giảm cả hỗ trợ về tiền tệ và tài khóa sau cuộc khủng hoảng này, và chính sách thời kỳ đại dịch của ECB phải kết thúc ngay khi tình trạng khẩn cấp này qua đi. Ông Weidmann không cho rằng năm 2022 vẫn được xem là một năm khủng hoảng.

Sự khác biệt trong quan điểm này cũng được thể hiện trong các cuộc tranh luận về chính sách tài khóa. Ủy viên kinh tế của EU Paolo Gentiloni ngày 28/6 cho rằng những quy định về nợ của khối này “cần phải thực tế, nếu không chúng sẽ không thể áp dụng được.”

[Chủ tịch ECB cứng rắn hơn khi hoạch định chính sách hỗ trợ nền kinh tế]

Ông Gentiloni cho biết mùa thu này, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ tiến hành một đợt đánh giá Hiệp định Tăng trưởng và Bình ổn (SGP).

Theo quy định của SGP, bị tạm ngừng áp dụng trong thời kỳ đại dịch, các nước EU phải duy trì thâm hụt ngân sách dưới 3% và nợ công dưới 60% Tổng sản phẩm quốc dân (GDP).

Với tình hình nợ công ở khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) đã tăng lên đến 102% GDP kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, nhiều người đã đặt ra câu hỏi về mức độ thực tế của các quy định trên.

Ông Armin Laschet, Chủ tịch Đảng cầm quyền Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) tại Đức và cũng là người sẽ tham gia tranh cử Thủ tướng Đức, cho rằng SGP sẽ phải được áp dụng trở lại khi những tác động của đại dịch đối với kinh tế toàn cầu không còn nữa, dù ông cho biết ông cởi mở với một quy định "mềm mỏng" hơn.

Trong khi đó, Thủ tướng Italy Mario Draghi, cựu Chủ tịch ECB, hồi tuần trước cho rằng các quy định tài khóa của Eurozone không thể quay về như trước đây.

Những khác biệt trong quan điểm nói trên được đưa ra tại thời điểm quan trọng, khi Eurozone đang trên đà phục hồi, với tốc độ lây nhiễm giảm và các doanh nghiệp dần được hoạt động trở lại.

Tình hình này mở ra khả năng ECB thu hẹp dần chính sách hỗ trợ lớn đối với doanh nghiệp và hộ gia đình, cũng như xem xét cách giải quyết gánh nặng nợ khổng lồ ở cả khu vực công và tư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục