EU cử phái bộ tới Tunisia quan sát bầu cử quốc hội và tổng thống

Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại của EU đã chỉ định bà Annemie Neyts-Uyttebroek làm trưởng nhóm quan sát viên.

Theo đề nghị của lãnh đạo Tunisia, Liên minh châu Âu (EU) sẽ cử một phái bộ tới quốc gia này để quan sát các cuộc cử quốc hội và tổng thống dự kiến diễn ra ngày 26/10 và 23/11 năm nay.

Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại của EU, bà Catherine Ashton đã chỉ định bà Annemie Neyts-Uyttebroek, nghị sỹ châu Âu, làm trưởng nhóm quan sát viên.

Bà Uyttebroek cho biết năm 2011, EU đã triển khai một phái bộ quan sát bầu cử tại Tunisia và lần này, chính quyền Tunisia cũng mời EU làm nhiệm vụ tương tự. Bà nhấn mạnh phái bộ EU đến quốc gia Bắc Phi này chỉ để quan sát các cuộc bầu cử chứ không can dự vào tiến trình bầu cử dưới bất kỳ hình thức nào, đồng thời hy vọng phái bộ EU sẽ đóng góp một phần quan trọng vào việc cải thiện tính toàn diện và minh bạch trong quá trình bầu cử tại Tunisia.

Bên cạnh đó, phái bộ cũng góp phần làm tăng sự hỗ trợ toàn diện của EU cho Tunisa nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi dân chủ thành công tại quốc gia này.

Nhóm chuyên gia đầu tiên của phái bộ EU gồm 8 người đã đến Tunisa ngày 17/9. Nhóm thứ hai gồm 28 quan sát viên dài hạn sẽ có mặt tại đây vào ngày 29/9 và nhóm thứ 3 gồm 28 quan sát viên ngắn hạn sẽ được triển khai ngày 21/10.

Ngoài ra, một phái đoàn của Nghị viện châu Âu cũng sẽ tham gia thành phần quan sát viên của EU trong ngày Tunisia tổ chức bầu cử. Bên cạnh phái đoàn quan sát viên EU, một số lượng lớn các quan sát viên ngắn hạn cũng được tuyển chọn trong số các nhân viên ngoại giao thuộc các cơ quan đại diện của các nước EU đóng tại Tunisia, và các quan sát viên đến từ Canada.

Các cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống Tunisia sẽ đánh dấu bước đi quan trọng trong lộ trình tiến tới dân chủ và chấm dứt khủng hoảng chính trị kéo dài tại nước này sau làn sóng nổi dậy năm 2011.

Sau khi chế độ của Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali bị lật đổ năm 2011, Tunisia đã tiến hành cuộc bầu cử tự do đầu tiên với chiến thắng thuộc về đảng Hồi giáo Ennahda. Tuy nhiên, vụ ám sát hai thủ lĩnh đối lập năm 2013 đã đẩy nước này vào cuộc khủng hoảng chính trị mới. Việc tổ chức các cuộc bầu cử trong năm nay là một phần của kế hoạch đã được các đảng phái chính trị nhất trí nhằm chấm dứt khủng hoảng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục