Liên minh châu Âu (EU) đang đàm phán về nguồn cung khí đốt với Mỹ, Qatar và Azerbaijan trong trường hợp Nga cắt giảm cung cấp khí đốt.
Trong thông báo ngày 30/1, quan chức cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết Brussels đang cân nhắc các biện pháp dự phòng trong trường hợp đàm phán ngoại giao (với Nga) thất bại.
EU đang xem xét tất cả các lựa chọn và kịch bản, bao gồm việc hợp tác với các đối tác như Mỹ, Qatar và Azerbaijan trong trường hợp Nga giảm hoặc tạm dừng cung cấp khí đốt.
[Gazprom tăng chuyển tải khí đốt qua Ukraine tới châu Âu]
Ngoài ra, quan chức hàng đầu EU này cũng tiết lộ liên minh đang xem xét các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga. Cụ thể, ông cho hay: “Là một phần của các biện pháp răn đe, chúng tôi đã xúc tiến việc chuẩn bị cho một phản ứng có tác động lớn, có thể khiến nền kinh tế và hệ thống tài chính Nga phải trả giá đắt. Chúng tôi cũng đang xem xét các biện pháp kiểm soát xuất khẩu sẽ có tác động lâu dài hơn, không cung cấp cho Nga các sản phẩm mà Moskva cần để thực hiện tham vọng chiến lược của mình.”
Trước đó, trong tuyên bố chung ngày 28/1, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch EU Ursula von der Leyen cho biết hai bên đang làm việc cùng nhau để hướng tới việc đảm bảo cung cấp khí đốt tự nhiên một cách liên tục, đầy đủ và kịp thời cho EU từ các nguồn khác nhau trên toàn cầu, nhằm tránh cú sốc về nguồn cung xảy ra, trong đó có tác động từ tình hình giữa Nga-Ukraine.
Hiện Mỹ đã thảo luận với các nước và công ty cung cấp năng lượng chính của thế giới về khả năng chuyển hướng cung cấp sang châu Âu nếu xảy ra tình trạng gián đoạn.
Giới chuyên gia nhận định căng thẳng giữa Nga và Ukraine gia tăng thời gian gần đây đã “phủ bóng đen” lên thị trường năng lượng ở châu Âu, vốn đã chứng kiến sự tăng giá khí đốt lên mức kỷ lục vào cuối năm 2021. Nga hiện cung cấp khoảng 35% lượng khí đốt cho châu Âu và là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho châu lục này./.