Ngày 27/6, Liên minh châu Âu (EU) đã đề nghị Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thành lập một ủy ban nhằm giải quyết tranh cãi xung quanh vụ Trung Quốc áp đặt lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm. Đây là bước thứ hai trong thủ tục giải quyết tại WTO sau khi quá trình tham vấn thất bại.
Trong thông báo ra cùng ngày, Ủy viên Thương mại EU Karel De Gucht cho biết lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm và một số sản phẩm khác của Trung Quốc là vi phạm các cam kết của nước này trong khuôn khổ WTO và bóp méo nghiêm trọng thị trường toàn cầu cũng như tạo bất lợi cho các công ty của châu Âu.
Ông Karel De Gucht nói: "EU lấy làm tiếc vì không còn sự lựa chọn nào khác ngoài giải pháp đưa vấn đề này ra WTO."
Đầu năm nay, EU, Nhật Bản và Mỹ đã gửi đơn khiếu nại lên WTO, cho rằng từ việc độc quyền cung ứng nguồn đất hiếm trên toàn thế giới, Bắc Kinh đang kiếm lợi nhuận một cách không công bằng nhờ vào những ngành công nghiệp riêng.
Tháng 4/2012, EU cùng với một số nước đồng minh như Nhật Bản và Mỹ đã cố gắng để chấm dứt tranh cãi xung quanh vấn đề đất hiếm thông qua các cuộc tham vấn chính thức với Trung Quốc tại trụ sở WTO ở Geneva (Thụy Sĩ), tuy nhiên các bên đã không đạt được thỏa thuận chung nào. Cho đến nay, không có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ bãi bỏ những lệnh cấm trên.
Các nhà chỉ trích cho rằng chiến lược của Bắc Kinh là nhằm đẩy giá "sản phẩm hiếm" này trên thị trường thế giới và buộc các công ty nước ngoài đặt trụ sở tại nước này để tiếp cận vật liệu này.
Về phần mình, Trung Quốc khẳng định tuân thủ các nguyên tắc thương mại quốc tế, cho rằng biện pháp hạn chế xuất khẩu đất hiếm là cần thiết nhằm bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên khan hiếm, bảo vệ môi trường trước các hoạt động khai thác quá mức và đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước.
Hiện Trung Quốc là nước sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới, chiếm 97% nguồn cung toàn cầu. Nguyên liệu quý gồm 17 thành tố quan trọng này dùng để sản xuất các sản phẩm công nghệ cao từ iPod đến tên lửa./.