EU hỗ trợ Việt Nam cải thiện độ an toàn cho nông sản xuất khẩu

Eu hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực cho cán bộ bảo vệ thực vật địa phương nhằm hỗ trợ nông dân trong sản xuất các sản phẩm trái cây có múi đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu.
EU hỗ trợ Việt Nam cải thiện độ an toàn cho nông sản xuất khẩu ảnh 1Khoá tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ bảo vệ thực vật địa phương để hỗ trợ người nông dân sản xuất các sản phẩm trái cây có múi có chất lượng xuất khẩu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày 11/10, dự án “Hỗ trợ liên quan đến thương mại dành cho Việt Nam” (ARISE+ Việt Nam) đã phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) triển khai khóa tập huấn “Phòng trừ sinh vật gây hại trên cây có múi.”

Khoá tập huấn được tổ chức nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ bảo vệ thực vật địa phương, qua đó các cán bộ kỹ thuật có thể hỗ trợ người nông dân tốt hơn trong sản xuất các sản phẩm trái cây có múi có chất lượng xuất khẩu. Khóa tập huấn có sự tham gia của cán bộ các chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật thuộc 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế và diễn ra trong 10 ngày từ 11-20/10.

Cây trồng có múi có là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao ở Việt Nam và cũng là những sản phẩm xuất khẩu tiềm năng. Để hỗ trợ việc kiểm soát sinh vật gây hại trên loại cây trồng này cần xây dựng năng lực của các cán bộ bảo vệ thực vật địa phương trong việc xác định thành phần sinh vật gây hại, triệu chứng gây hại và biện pháp phòng trừ an toàn, hiệu quả.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, người trồng cây có múi đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của sinh vật gây hại, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu khiến nhiều loại sinh vật gây hại mới xuất hiện hoặc diễn biến khó lường. Thiếu hiểu biết về xác định đúng loài và biện pháp kiểm soát phù hợp có thể dẫn đến tình trạng sử dụng mất cân bằng giữa thuốc bảo vệ thực vật và phân bón… Điều này gây ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, thổ nhưỡng cũng như môi trường, và điều này lại làm gia tăng tác động tiêu cực của sinh vật gây hại tới cây có múi.

[Việt Nam-EU hợp tác thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững]

Ông Nguyễn Tuấn Lộc, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật khu IV cho rằng sản xuất nông nghiệp là “xí nghiệp ngoài trời,” đặc biệt trong tình hình ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diễn biến dịch hại rất phức tạp đồng thời việc sản xuất phải đáp ứng yêu cầu nông sản an toàn để phục vụ người tiêu dùng và xuất khẩu. Do đó, khóa tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ kỹ thuật là yêu cầu cấp thiết.

Theo ông Lộc, các cán bộ kỹ thuật của 6 tỉnh sau khi tập huấn sẽ là những hạt nhân nòng cốt giúp nông dân sản xuất thâm canh trái cây có múi và quản lý sinh vật gây hại theo hướng an toàn, hiệu quả nhằm tạo ra nhiều sản phẩm an toàn phục vụ tiêu dùng nội địa và xa hơn là xuất khẩu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các nhà vườn.

Một trong những yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải hỗ trợ kỹ thuật cần thiết cho cán bộ kỹ thuật địa phương để những cán bộ này hỗ trợ người nông dân sản xuất sản phẩm đạt chất lượng xuất khẩu. Thông quá khoá tập huấn, các cán bộ kỹ thuật bảo vệ thực vật sẽ được tập huấn cách thức tiến hành điều tra, phát hiện triệu chứng, lấy mẫu, giám định dịch hại dựa trên hình thái học nhằm kiểm soát sinh vật gây hại trong khi vẫn bảo vệ sức khỏe của cây trồng và môi trường.

Ngoài bài giảng và thực hành trên lớp, khóa tập huấn sẽ bao gồm cả đi thực địa để các cán bộ kỹ thuật được hướng dẫn tại chỗ về những triệu chứng phát hiện các loài sinh vật gây hại và thực hành các quy trình lấy mẫu./.

Dự án “Hỗ trợ liên quan đến thương mại dành cho Việt Nam” (ARISE+ Việt Nam) do Liên minh châu Âu tài trợ góp phần giúp nền kinh tế Việt Nam hội nhập vào chuỗi sản xuất toàn cầu thông qua hỗ trợ có mục tiêu cho cả hai khu vực công và tư. EU hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thu được lợi ích từ các cam kết thương mại song phương và khu vực mới, đặt trọng tâm vào việc thực hiện Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA).

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục