EU họp khẩn về kiểm soát biên giới và ngăn chặn buôn lậu vũ khí

Bộ trưởng Nội vụ và Tư pháp 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu sẽ nhóm họp tại Brussels nhằm thảo luận về biện pháp kiểm soát biên giới và ngăn chặn buôn lậu vũ khí
EU họp khẩn về kiểm soát biên giới và ngăn chặn buôn lậu vũ khí ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 20/11, Bộ trưởng Nội vụ và Tư pháp 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ nhóm họp tại Brussels, một tuần sau khi xảy ra vụ tấn công đẫm máu ở Paris, nhằm thảo luận về biện pháp kiểm soát tốt hơn biên giới bên ngoài Liên minh, ngăn chặn buôn lậu vũ khí và tăng cường trao đổi thông tin.

Cuộc họp bất thường này diễn ra 2 ngày sau khi Ủy ban châu Âu (EC) tuyên bố hàng loạt các biện pháp chống buôn lậu súng.

Tại cuộc họp, các bộ trưởng sẽ đề cập đến vấn đề thông tin hành khách hàng không (PNR), một hệ thống lưu trữ các dữ liệu chuyến bay của hành khách nhằm phát hiện những chuyến bay nghi vấn.

Dự án này được đưa ra thảo luận trong EU từ tám năm nay nhưng luôn bế tắc, đặc biệt tại Nghị viện châu Âu (EP) do những nghi ngại về việc bảo vệ đời sống riêng tư và các dữ liệu cá nhân.

Tuy nhiên, sau vụ tấn công vào tòa báo Charlie Hebdo ở Paris hồi đầu năm, trong thời gian đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch luân phiên Hội đồng châu Âu, Luxembourg mong muốn đi đến một thỏa thuận về vấn đề này vào đầu tháng 12 tới vì hiện nay các cuộc thảo luận với EP đang tiến triển tốt và có thể kết thúc theo kế hoạch.

Hiện chỉ còn vài vấn đề cần giải quyết, đặc biệt là các loại tội phạm mà theo đó có thể hối thúc thực hiện PNR.

Ngoài ra, các bộ trưởng cũng đề cập đến cuộc chiến chống buôn bán vũ khí. Từ năm năm nay, Bỉ đã yêu cầu một cách tiếp cận cụ thể cho vấn đề này nhưng không được các nước thành viên khác quan tâm.

Tăng cường hợp tác trao đổi thông tin và kiểm soát biên giới của EU sẽ được các bộ trưởng nhấn mạnh để biết ai rời EU và ai vào EU.

Vấn đề đặt ra là làm sao để có cách kiểm soát tốt nhất công dân châu Âu, những người thường ít bị kiểm tra chặt chẽ so với những người dân của nước thứ ba.

Vấn đề cuối cùng được thảo luận tại cuộc họp là xử lý và chia sẻ thông tin về những người bị theo dõi.

Hệ thống thông tin Schengen (SIS) thực sự cung cấp ít thông tin về cách thức mà một người bị truy nã.

Do đó, cần phải cải thiện việc chia sẻ này nhưng vẫn đảm bảo sự bí mật cần thiết giúp cho điều tra thành công./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục