EU không công nhận cuộc trưng cầu ý dân tại Cộng hòa Srpska

Người phát ngôn Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU khẳng định cuộc trưng cầu ý dân tại Cộng hòa Srpska thuộc Bosnia-Herzegovina không có cơ sở hợp pháp.
Tổng thống Cộng hòa Srpska Milorad Dodik ăn mừng kết quả trưng cầu dân ý vào hôm 25/9. (Nguồn: Anadolu)

Bà Maja Kocijancic, người phát ngôn của Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini, ngày 26/9 khẳng định cuộc trưng cầu ý dân tại Cộng hòa Srpska thuộc Bosnia-Herzegovina hôm 25/9 vừa qua không có cơ sở hợp pháp.

Phát biểu trong cuộc họp báo tại thủ đô Brussels (Bỉ), bà Kocijancic nhấn mạnh EU không công nhận tính hợp pháp của cuộc trưng cầu nói trên bởi Tòa án Hiến pháp Bosnia-Herzegovina (BiH) đã ra phán quyết hoãn tiến hành trưng cầu ý dân tại Cộng hòa Srpska cho đến khi Tòa chính thức ra tuyên bố công nhận tính hợp hiến của thực thể này. Ngoài ra, cuộc trưng cầu ý dân trên cũng sẽ không thể làm thay đổi những phán quyết và những ràng buộc của Tòa án Hiến pháp BiH.

Người phát ngôn Kocijancic còn khẳng định EU hoan nghênh vai trò của Bosnia-Herzegovina trong việc áp dụng thể chế hợp pháp để giải quyết vấn đề nêu trên của Cộng hòa Srpska, cũng như để thiết lập các tiến trình pháp lý trong khung thể chế hiện hành thông qua đối thoại mang tính xây dựng. Bên cạnh đó, bà nhấn mạnh điều quan trọng là tất cả các bên cần phải kiềm chế hành động, tránh gây leo thang căng thẳng, trong khi chính quyền Bosnia-Herzegovina cần tiếp tục tập trung tiến hành các cuộc cải cách.

Trước đó, ngày 25/9, Cộng hòa Srpska thuộc Bosnia-Herzegovina đã tổ chức trưng cầu ý dân về việc kỷ niệm Ngày Cộng hòa Srpska và nhận được sự ủng hộ của 99,8% số cử tri. Tòa án Hiến pháp Bosnia-Herzegovina lên án gay gắt cuộc trưng cầu này và cho rằng đây là hành động ly khai của cộng đồng người Serbia tại Bosnia-Herzegovina.

Bosnia-Herzegovina trước đây nằm trong Liên bang Nam Tư và hiện có hai chủ thể là Liên bang Bosnia-Herzegovina và Cộng hòa Srpska với Hiến pháp, Tổng thống, Quốc hội và Chính phủ riêng. Những người Serbia ở Bosnia-Herzegovina tự tuyên bố độc lập vào đầu năm 1992 để đáp lại việc những người Bosnia theo đạo Hồi ở Bosnia-Herzegovina đòi tách khỏi Liên bang Nam Tư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục