Ngày 9/3, Ủy ban châu Âu (EC) đã ký thỏa thuận hợp tác thực hiện chương trình quan sát Trái Đất mang tên Copernicus với Brazil, Colombia và Chile nhằm tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin trong nhiều lĩnh vực như dự báo thảm họa thiên nhiên, biến đổi khí hậu.
Hiệp định trên cho phép 3 quốc gia Nam Mỹ này tiếp nhận thông tin thu được từ 6 vệ tinh Sentinel của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) thông qua hệ thống mạng kết nối băng thông rộng.
Trong khi đó, Brazil, Colombia và Chile chia sẻ kết quả nghiên cứu và phân tích dữ liệu với các nước thành viên khác.
Phát biểu với báo giới, quan chức phụ trách lĩnh vực vũ trụ và quốc phòng của EC, Philippe Brunet, cho biết chương trình Copernicus có nhiều ứng dụng khác nhau, gồm quan sát trái đất, đại dương, khí quyển, cũng như dự báo thảm họa thiên nhiên và đánh giá mức độ ảnh hưởng tới từng khu vực.
Theo ông Brunet, Chile đã sử dụng những thông tin của hệ thống Copernicus để khắc phục tình trạng cháy rừng xảy ra hồi tháng 1 năm ngoái và hỗ trợ chính phủ quốc gia này trong hoạt động cứu trợ sau trận động đất năm 2016.
[EU củng cố vị thế chiến lược trong lĩnh vực không gian vũ trụ]
Về phần mình, Giám đốc Viện Thủy văn, Khí tượng học và Nghiên cứu Môi trường Colombia (Ideam) đã nêu bật tầm quan trọng của thỏa thuận hợp tác trên, cho rằng nó góp phần giúp các nhà khoa học nước này nghiên cứu những thay đổi về điều kiện tự nhiên để phòng chống và cảnh báo thiên tai.
Chương trình Copernicus do EC phối hợp với ESA thực hiện từ năm 2014, với tổng kinh phí gần 4,3 tỷ euro.
Đây là chương trình quan sát địa cầu đầy tham vọng với mục tiêu cung cấp thông tin nhanh chóng và chính xác nhất về các thảm họa thiên nhiên./.