Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, ngày 17/6, Ủy ban châu Âu (EC) công bố báo cáo xác nhận sự gia tăng liên tục của các rào cản mà doanh nghiệp châu Âu gặp phải ở thị trường nước ngoài.
Liên minh châu Âu (EU) đã nỗ lực dỡ bỏ các rào cản để mở rộng thị trường xuất khẩu cho các doanh nghiệp của mình.
Phiên bản mới nhất của Báo cáo rào cản thương mại và đầu tư (TIBR) thống kê được 45 rào cản thương mại mới do các quốc gia ngoài EU đưa ra trong năm 2018, nâng tổng số lên mức cao kỷ lục là 425 rào cản tại 59 quốc gia khác nhau, gây thiệt hại cho hàng tỷ USD cho các doanh nghiệp EU mỗi năm.
Ủy viên EU phụ trách thương mại Cecilia Malmström khẳng định trong bối cảnh phức tạp hiện nay khi số vụ căng thẳng thương mại và các biện pháp bảo hộ ngày càng tăng, EU phải tiếp tục bảo vệ lợi ích cho doanh nghiệp của mình trên thị trường toàn cầu.
Nhờ những can thiệp thành công, EU đã loại được 123 rào cản ảnh hưởng đến cơ hội xuất khẩu của các doanh nghiệp trong Khối từ năm 2014. Việc loại bỏ các rào cản đã cho phép EU xuất khẩu thêm hơn 6 tỷ euro trong năm 2018. Bà Malmström nhấn mạnh những nỗ lực này chắc chắn sẽ phải được tiếp tục.
Tác động đến xuất khẩu của EU phát sinh chủ yếu do các biện pháp áp đặt bởi Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ và Algeria. Các biện pháp bảo hộ liên quan đến 80% các mặt hàng xuất khẩu của EU, và chủ yếu tập trung vào các ngành thép, nhôm và lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông.
Những nỗ lực của EU trong việc thực thi các quy tắc thương mại quốc tế hiện đang mang lại kết quả rõ ràng. Hành động của EU dựa trên sự hợp tác chặt chẽ với các quốc gia thành viên cũng như các doanh nghiệp trong khuôn khổ chiến lược tăng cường tiếp cận thị trường được Liên minh châu Âu đưa ra. Năm 2018, Ủy ban châu Âu đã loại bỏ tới 35 rào cản thương mại. Những biện pháp này trải dài trên 8 lĩnh vực đầu tư và xuất khẩu chính của EU bao gồm nông nghiệp và ngư nghiệp, ôtô, dệt may và da, rượu vang và rượu mạnh, mỹ phẩm, sản phẩm khoáng sản, phụ tùng máy bay và thiết bị công nghệ thông tin.
Loại bỏ các rào cản thương mại là nhiệm vụ chính của EC cùng với việc tiếp tục tập trung mạnh mẽ vào việc thực thi các hiệp định thương mại của EU. Tiếp cận thị trường của EU được nâng cao nhằm đảm bảo các công ty của Liên minh có thể cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng khi tìm kiếm cơ hội xuất khẩu và đầu tư ở các quốc gia ngoài châu Âu./.