Palestine và các đối tác châu Âu ngày 8/12 đã ký kết 5 thỏa thuận đầu tư và tài chính trị giá hơn 80 triệu euro (84,4 triệu USD), bên lề Diễn đàn doanh nghiệp Liên minh châu Âu (EU)-Palestine lần thứ nhất được tổ chức tại thành phố Ramallah.
Sự kiện có sự tham dự của Thủ tướng Palestine Mohammad Shtayyeh, các quan chức Palestine và EU, cùng đại diện các ngân hàng, tổ chức tài chính và doanh nhân của cả hai bên.
Theo thông báo chính thức, Chính phủ Palestine và EU đã ký thỏa thuận tài chính trị giá 30,5 triệu euro (32 triệu USD) nhằm thúc đẩy tăng trưởng của Palestine bằng cách hỗ trợ các dự án của khu vực tư nhân trong nhiều lĩnh vực. Dự kiến các dự án sẽ được triển khai vào đầu năm 2023.
EU và Ngân hàng Phát triển và Tái thiết châu Âu cũng đã dành cho Palestine một thỏa thuận tài chính trị giá 23 triệu euro (24 triệu USD), bao gồm 20 triệu euro (21 triệu USD) dưới dạng danh mục cho vay và 3 triệu euro (3,1 triệu USD) dưới hình thức bảo lãnh khoản vay.
Thỏa thuận thứ ba đạt được giữa tổ chức tài chính phát triển Proparco của Pháp và công ty tài chính vi mô Faten của Palestine về một khoản tín dụng trị giá 8 triệu euro (8,4 triệu USD), bên cạnh 1,25 triệu euro (1,3 triệu USD) bảo lãnh khoản vay. Ngân hàng Phát triển Hà Lan (FMO) và Vitas đã ký thỏa thuận tài trợ trị giá 10 triệu euro (10,5 triệu USD) cho Palestine.
[EU: Các khoản tài trợ cho Palestine có thể được giải ngân sớm]
Thỏa thuận thứ năm đã được ký kết giữa Cơ quan hợp tác Italy (AICS) và Quỹ việc làm của Palestine, có trị giá 2,9 triệu euro (3 triệu USD) sẽ được phân bổ để tài trợ cho các công ty khởi nghiệp tài chính. Ngoài ra, một số tổ chức cho vay cũng sẽ tham gia tài trợ bổ sung cho những dự án này.
Thủ tướng Shtayyeh cho biết Diễn đàn doanh nghiệp EU-Palestine lần thứ nhất là một cơ hội hiếm có để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai bên. Ông đánh giá cao sự hỗ trợ của Ủy ban châu Âu (EC) và các nước EU đối với nền kinh tế Palestine, cũng như việc ủng hộ thành lập một nhà nước Palestine độc lập với thủ đô là Jerusalem.
Hãng thông tấn Đức DPA dẫn lời Thủ tướng Shtayyeh cho biết kể từ khi tuyên thệ nhậm chức vào năm 2019, Chính phủ Palestine đã nhận được sự hợp tác và quan hệ đối tác với EU. Ông khẳng định rằng việc đầu tư vào Palestine là hoàn toàn khả thi ngay cả trong điều kiện bị chiếm đóng.
Ông nhấn mạnh Chính phủ Palestine “có khung pháp lý” bao gồm các quy định và chính sách cần thiết để khuyến khích đầu tư, chẳng hạn như Luật khuyến khích đầu tư, Luật doanh nghiệp, Luật truyền thông và nhiều quy định khác.
Trưởng ban phụ trách các cuộc đàm phán mở rộng và chính sách láng giềng châu Âu, Maciej Popowski nhấn mạnh diễn đàn này là một sự kiện đặc biệt, trong đó các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách của Palestine và châu Âu gặp nhau để thúc đẩy một môi trường kinh doanh tốt hơn.
Đại diện của EU tại khu vực Bờ Tây và Dải Gaza, Sven Kühn von Burgsdorff, cho biết diễn đàn này phục vụ mục tiêu của EU là hỗ trợ các nỗ lực của Chính phủ Palestine nhằm phát triển kinh tế, mở rộng vai trò của các ngân hàng và tăng cường quan hệ đối tác giữa khu vực công và tư nhân./.